“Chúng tôi không bàn về các kế hoạch nhưng hiện tại tôi không có kế hoạch để làm việc đó” - ông Esper nói với các phóng viên tại London về việc có khả năng bắt giữ tàu của Iran hay không.
Hãng tin Reuters nói rằng tàu chở dầu Adrian Darya 1 chở dầu thô của Iran và hiện đã tắt bộ phát tín hiệu trên biển Địa Trung Hải, phía tây Syria.
Tàu Adrian Darya 1, trước đây có tên Grace 1, trên đường đến Syria đã bị các chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh vào ngày 4-7 do bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Gibraltar ngày 15-8 đã thả tàu Grace 1 sau khi nhận được sự đảm bảo bằng văn bản chính thức từ Tehran rằng con tàu sẽ không chuyển 2,1 triệu thùng dầu đến Syria.
Tàu Grace 1 (nay là Adrian Darya 1) lúc trước đã bị Hải quân Anh bắt giữ vì cho rằng vi phạm lệnh trừng phạt của châu Âu. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Washington đã cảnh báo bất kỳ quốc gia nào trợ giúp con tàu thì sẽ bị coi là một tổ chức khủng bố, cụ thể là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Giới chức Mỹ còn nhấn mạnh bất kỳ hành động quân sự nào như chỉ cần đặt chân lên boong tàu cũng đều bị Mỹ xem là hành vi nghiêm trọng vì có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng.
“Quan điểm cá nhân của tôi nhưng tôi không phải là người phụ trách chính vấn đề này, việc này là của Bộ Ngoại giao; nhưng nếu người Pháp và những người khác có thể khiến người Iran ngồi vào bàn đàm phán thì đó là một điều tốt” - ông Esper nói.
Ngày 4-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng về một cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới tại New York.
Mặc dù châu Âu, trong đó có Pháp, đang cố gắng thúc đẩy Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, đề nghị các biện pháp tín dụng 15 tỉ USD cho Iran thực hiện điều đó nhưng các quan chức chính quyền ông Trump vẫn nghi ngờ về các động thái của châu Âu, theo Reuters.