Ngày 29-9, tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 năm 2024, với sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em là những đội viên, thiếu niên tiêu biểu trong cả nước.
Các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với hai vấn đề Phòng, chống bạo lực học đường và Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường, làm rõ các vấn đề được cử tri trẻ em cả nước quan tâm.
Sau phần chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao đổi với đại biểu Quốc hội trẻ em về hai chủ đề của phiên họp.
Chia sẻ sự cảm động về cách bày tỏ của các đại biểu trẻ em tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em trong Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng thời chia sẻ cảm nhận về sự tự tin của các em, đây là điều đáng mừng của giáo dục và gửi lời cảm ơn tới các em.
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc; đổi mới theo hướng phát triển toàn diện người học, để người học không chỉ có kiến thức cần thiết mà còn có các năng lực, kỹ năng để trở thành một công dân tốt, trở thành một người hạnh phúc, biết chia sẻ.
“Chặng đường đổi mới đã đi một chặng đường và sắp kết thúc một chu trình, trong quá trình đổi mới, ngành Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể xã hội. Trong đó, việc Trung ương Đoàn, Hội Đồng đội Trung ương tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em từ năm ngoái là một trong những thể hiện của sự quan tâm”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, không khí chung các trường học trong cả nước đang đổi mới, bầu không khí trong lành tốt đẹp vẫn đang hàng ngày diễn ra trên đất nước ta. Để cho môi trường học đường được lành mạnh, con người được bảo vệ, phát triển cần kiên quyết loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường.
Một số nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường như tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, việc thực hiện quy chế học đường chưa thực sự nghiêm túc ở một số nơi, trách nhiệm của người lớn, bao gồm người đứng đầu trường học, giáo viên chủ nhiệm có nơi chưa làm hết trách nhiệm, vai trò của gia đình, tác động của mạng xã hội, phim ảnh… Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh đặc biệt vai trò của chính các em học sinh.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi "ai là người quan trọng nhất trong phòng chống bạo lực học đường?" và chỉ định một đại biểu trẻ em trả lời. Đại biểu trẻ em này bày tỏ, "quan trọng nhất là học sinh".
Đồng tình với câu trả lời này, Bộ trưởng chia sẻ: “Để loại bỏ bạo lực học đường, người phải làm nhiều việc nhất chính là học sinh. Nếu các em học tập tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ, những người như vậy ắt hẳn sẽ không thực hành bạo lực với người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng để có thể tự giải quyết được việc của mình, giúp bạn giải quyết được vấn đề của các bạn thì bạo lực không có chỗ trong học đường.
Nếu các em có kỹ năng biết chọn lọc thông tin, biết sử dụng mạng xã hội, bày tỏ chính kiến thì cũng không có chỗ cho ảnh hưởng xấu độc của mạng xã hội...
Theo Bộ trưởng, sự tu dưỡng của bản thân, tình yêu thương, các kỹ năng, thái độ là những việc rất quan trọng các em cần làm để đẩy lùi bạo lực học đường.
“Ai làm tốt việc người đó, từ các thầy cô hiệu trưởng, các thầy cô chủ nhiệm, tư vấn tâm lý làm hết trách nhiệm của mình; văn hoá học đường làm tốt; pháp luật được thực thi… chúng ta sẽ từng bước, từng bước đẩy lùi được bạo lực học đường, xây dựng môi trường hạnh phúc - là môi trường thực tế đang có của chúng ta”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh, đánh giá cao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội; khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức, vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.