Ngày 28-9, tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Nhà Quốc hội đã khai mạc Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, năm 2024. Sau phiên khai mạc, 306 đại biểu thiếu nhi đã tham gia phiên thảo luận tổ.
Các đại biểu đã được chia thành 12 tổ thảo luận, mỗi tổ đều có sự tham gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật và chuyên môn của các chuyên gia trong lĩnh vực đến từ tổ chức Plan International Việt Nam – đơn vị đồng hành cùng Hội đồng Đội Trung ương trong việc tổ chức Phiên họp giả định.
Các tổ tham gia thảo luận về hai nhóm chủ đề gồm: Phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường.
Trong đó, thảo luận về phòng, chống bạo lực học đường được rất nhiều đại biểu nêu ý kiến và trao đổi sôi nổi.
Thông tin tại các phiên thảo luận cho biết, hiện nay, vấn đề bạo lực học đường dần trở thành thực trạng nhức nhối của xã hội. Theo thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo, tính từ năm 2021 đến nay cả nước có hơn 700 vụ việc bạo lực học đường.
Đến thời điểm hiện tại, bạo lực học đường không chỉ mang tính bạo lực thể xác mà còn là gây áp lực và bạo lực về cả tinh thần thông qua lời nói, mạng xã hội, gây lo lắng và hậu quả nghiêm trọng đến các đối tượng liên quan....
Đề cập về giải pháp, đại biểu Nguyễn Thái Bình Nhi, đại biểu tỉnh Khánh Hòa đề xuất nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các video clip minh hoạ về hậu quả của bạo lực học đường, xây dựng hệ thống đường dây, phòng tư vấn để lắng nghe những tâm tư và kịp thời xử lí các trường hợp bạo lực trong nhà trường của học sinh.
Ngoài ra, cần phối hợp với Bộ TT&TT, tích cực đẩy mạnh các hình ảnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng các video, kết hợp với các KOL, KOC để đẩy mạnh truyền thông ngăn chặn bạo lực học đường, quản lý các nội dung đăng tải trên mạng, không đăng tải các nội dung bạo lực, tăng cường kiểm duyệt nội dung, bài viết trên mạng xã hội.
Đến từ Sơn La, đại biểu Nguyễn Minh Châu nêu ý kiến: Ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện phát triển về giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý, vì vậy dẫn đến việc các bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa có xu hướng bạo lực khá nhiều, do các bậc phụ huynh thường phải đi làm xa hoặc làm nông nghiệp nặng nhọc ít có thời gian để giám sát và quan tâm đến con cái.
Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu hoặc các hành vi bạo lực mà không có sự can thiệp kịp thời.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Minh Châu đề xuất một số giải pháp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình và nhà trường; xây dựng tài liệu hướng dẫn bằng các bộ nhận diện phù hợp cho các bậc cha mẹ, trẻ em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; ngoài ra cần tăng cường kiểm soát sàng lọc các phim ảnh có nội dung bạo lực để tránh học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực.
Phiên họp giả định lần thứ II của Quốc hội trẻ em năm 2024 diễn ra trong 1,5 ngày, bắt đầu từ sáng 28, kết thúc ngày 29-9. Về phía Quốc hội trẻ em có Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội trẻ em Nguyễn Phan Quỳnh Như; các Phó Chủ tịch Quốc hội trẻ em: Lê Hoàng Long, Nguyễn Quang Anh và Hà Phan Bách Hợp.
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.