Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hầu A Lềnh vào chiều 6-6, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu câu hỏi: “Đến nay Bộ trưởng đã nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được một nửa nhiệm kỳ.
Nếu được chọn một vấn đề mà Bộ trưởng trăn trở nhất về công tác dân tộc thì đó là vấn đề gì? Bộ trưởng đã làm những gì để giải quyết trăn trở này, khó khăn và thuận lợi ra sao, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?”.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: QH |
“Vì là vấn đề trăn trở nên đề nghị cho Bộ trưởng giải lao ít phút để suy nghĩ, sau đó sẽ trả lời” - Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nói vui và mời QH nghỉ giải lao 20 phút.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhận xét “câu hỏi rất dễ nhưng cũng rất khó trả lời”, vì ông mới nhận nhiệm vụ được hơn một năm.
Bộ trưởng cho hay quá trình công tác của ông đều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các lĩnh vực công tác đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc. “Tôi cũng là một người dân tộc thiểu số”- ông nói thêm.
“Cảm xúc ở mỗi vị trí, công việc là khác nhau, ở mỗi một giai đoạn cũng khác nhau. Với tư cách là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tôi nghĩ trước hết mình phải hoàn thành trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao.
Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để phối hợp với các bộ ngành triển khai các chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, tôi sẽ cố gắng làm hết sức hoàn thành nhiệm vụ đó”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: QH |
Ông Hầu A Lềnh cũng cho biết ông có chung điều trăn trở với bà con. “Điều tôi suy nghĩ nhất là dù có chính sách đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu nhưng nếu bà con không nhận thức được, không tiếp nhận được, không đồng lòng, không cùng nhà nước làm thì sẽ không thành công” - Bộ trưởng nói.
Ông chia sẻ, trăn trở nhất của ông là nhận thức của người dân, phải làm sao để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân là cùng chung tay thực hiện.
“Để giải quyết vấn đề này không gì hơn là phải tuyên truyền, giáo dục. Bà con phải biết về kiến thức, biết tiếng Việt, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, cộng với sự hỗ trợ của nhà nước…Tất cả tích hợp lại thì mới giải quyết được vấn đề” - ông Hầu A Lềnh nói và cho rằng đây là bài học rất tốt cho công tác đại đoàn kết dân tộc.