Ngày 14-10, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma tuý lần thứ 7 (AMMD7) được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam, cho biết trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các quốc gia đóng cửa biên giới đã làm ngưng trệ các hoạt động giao thương, đi lại giữa các nước.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy không vì thế mà thuyên giảm. Trái lại, các băng nhóm tội phạm đã triệt để lợi dụng không gian mạng và sự tập trung vào công tác phòng, chống dịch của các quốc gia để gia tăng các hoạt động phạm tội cả về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
“Tội phạm và tệ nạn ma túy đang là thách thức nghiêm trọng tinh thần thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tiếp tục là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, đe dọa đến vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của Cộng đồng chung ASEAN” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma tuý lần thứ 7 (AMMD7) được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: TÚ LÊ
Cũng theo Bộ trưởng, Đông Nam Á, đặc biệt tại khu vực 6 nước tiểu vùng sông Mê Công, diện tích gieo trồng cây thuốc phiện vẫn đứng thứ hai trên thế giới. Khu vực Tam Giác Vàng ở tiểu vùng sông Mê Công đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới.
Cùng với đó, số lượng người sử dụng ma túy tại các nước trong khu vực không giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng; xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia làm cầu nối giữa cung và cầu…
Trước tình hình đó, Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN về thái độ không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một Cộng đồng chung ASEAN không ma túy.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thời gian tới, các nước ASEAN cần hợp tác chặt chẽ, thường xuyên về quản lý biên giới và an ninh mạng, không để tội phạm lợi dụng dịch bệnh để tăng cường hoạt động phạm tội.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp kiểm soát và phòng, chống thất thoát tiền chất, triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy bí mật; thiết lập chốt kiểm soát ma túy tại các tuyến trọng điểm; củng cố cơ chế hợp tác quản lý qua biên giới thông qua tăng cường và mở rộng hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO).
Ở cấp độ quốc gia, các bên cần chủ động thiết lập kênh trao đổi thông tin, cơ chế giao ban trực tuyến; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia…