Ngày 13-11, Đại tá Phạm Minh Châu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết Phòng PC49 đang củng cố hồ sơ để xử lý hai cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột vì bơm nước vào bụng gia súc trước khi giết mổ.
Theo công an, hai cơ sở bị phát hiện bơm nước vào trâu, bò trước khi giết mổ gồm: Công ty Thương mại Dịch vụ Minh Long (đóng tại thôn 1, xã Cư Ea Buar, TP Buôn Ma Thuột) và cơ sở lò mổ gia súc tập trung ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột.
Trước đó, qua kiểm tra đột xuất, PC49 Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, bắt quả tang các nhân viên đang làm việc tại đây đã dùng máy bơm hút nước bẩn từ ao rồi bơm vào bụng trâu, bò để tăng trọng lượng, gian lận đối với khách hàng.
Một con trâu “no nước” đến chết. (Ảnh do công an cung cấp)
Cụ thể, tại Công ty Minh Long, vào thời điểm kiểm tra, lực lượng đã phát hiện, bắt quả tang hai công nhân dùng vòi bơm nước vào bụng hai con trâu và bốn con bò. Theo khai nhận của hai người này, họ làm theo lệnh của chủ công ty: Cứ tầm 14 giờ hằng ngày, cả hai dùng máy bơm hút nước tại ao ngay cạnh cơ sở giết mổ, bơm vào bụng trâu, bò sau đó mới giết mổ mang đi tiêu thụ tại quán ăn, các chợ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.
Tương tự, tại cơ sở giết mổ tập trung gia súc tại tổ dân phố 8, PC49 cũng bắt quả tang một công nhân làm thuê đang dùng máy bơm bơm nước vào bụng một con trâu, bên cạnh đó là hàng loạt trâu, bò đã bị bơm nước căng tròn, thậm chí một số con đã chết vì “no nước”.
Được biết tại hai cơ sở giết mổ gia súc tập trung này, trung bình mỗi ngày xuất bán ra thị trường 25-30 con trâu, bò.
Theo Đại tá Châu, hành vi vi phạm của các chủ cơ sở không chỉ vi phạm về gian lận thương mại, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng mà còn gây nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm ở gia súc. Bởi các cơ sở đã dùng nước bẩn từ ao hồ cạnh lò giết mổ để bơm vào bụng trâu, bò. Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột chỉ có hai cơ sở giết mổ gia súc tập trung này nhưng cả hai cơ sở đều vi phạm vì hám lợi.
Các ĐB cảnh báo việc bơm nước vào thịt “Nhiều nơi giết mổ bơm nước vào gia súc để tăng lượng nước trong thịt. Nguồn nước đó ảnh hưởng tới chất lượng thịt nhưng quản lý hiện quá lỏng lẻo. Người ta mang tất cả sản phẩm gà, heo ở nơi khác về rồi đóng con dấu vào là xong, mang bán khắp nơi. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…” - đại biểu (ĐB) Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) phát biểu khi Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thú y chiều 13-11. “Hiện người nuôi sử dụng chất kích thích trong chăn nuôi, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ở TP.HCM có rất nhiều cửa ngõ, thực phẩm từ các tỉnh theo các cửa ngõ vào TP nên cần phải giữ lại quy định kiểm soát động vật trong nội tỉnh mới bảo đảm chất lượng thực phẩm cho người dân” - ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nêu quan điểm. Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), hầu hết cá nhân, tư thương kinh doanh giết mổ động vật, gia cầm họ không vào cơ sở giết mổ. Vì cơ sở xây dựng ở địa điểm xa, phí đưa gia cầm vào đó giết mổ cao, quy trình thủ tục phức tạp. Vì thế họ mổ chui, có khi mổ một con heo ngay ở vỉa hè, lề đường. Sáng sớm đi thấy xe máy chở con heo vắt ngang, trắng hếu, trông rất khiếp nhưng người dân vẫn phải mua. “Ở TP Hà Nội vẫn có tình trạng siêu thị đưa thực phẩm không đảm bảo chất lượng vào nên người dân vẫn phải mua bên ngoài” - bà Hà nói. H.VÂN - T.VĂN |
Đày đọa trâu, bò và vô minh của lòng tham… Phẫn nộ, ám ảnh… là trạng thái của nhiều người khi một tuần qua tiếp nhận thông tin các cơ sở giết mổ gia súc ở tỉnh Long An, Đắk Lắk bị phát hiện bơm nước vào trâu, bò trước khi giết thịt. Các ông chủ vì lợi nhuận đã cho người bơm nước (cả nước ao) vào bụng những con trâu, bò bị cột đến không cựa quẫy được và chết dần với cái bụng không còn chỗ chứa nước. Chúng chết vì lòng tham và sự hành xác tàn bạo, vô minh của những ông chủ. Chưa hết, khi họ bơm nước ao vào con vật rồi chờ chúng chết để xả thịt cũng là khi mầm bệnh phát tán. Sự tham lam, hành hạ gia súc của những người chủ lò mổ là không thể chấp nhận. Nhưng để xảy ra những vụ việc như vậy, các cơ quan, cán bộ liên quan không thể vô can, họ không thể nói không biết, không thấy, không nghe phản ánh… Nếu mỗi lò mổ có cán bộ của cơ quan chức năng như an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, thú y… thường xuyên giám sát thì sẽ khó xảy ra những vụ việc kinh doanh bất lương. Một khi các cơ quan chức năng “ngó lơ” hay “không thấy gì” nghĩa là một sự “bảo kê” cho những kẻ kinh doanh tham lam tiếp tục quay cuồng trong vòng xoáy lợi nhuận. N.ĐỨC |