Bốn xin và bốn luôn

Hai ngành hàng không và đường sắt đang thực hiện một phong trào nhằm từ bỏ gương mặt lạnh lùng trong giao tiếp với khách hàng là 4 xin: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; và 4 luôn: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Theo bà Nguyễn Thu Hiên, chuyên viên giảng dạy giao tiếp, cách ứng xử văn minh nơi công cộng đang là mối quan tâm của nhiều người, bởi đây là yếu tố tạo nên một sự nghiệp thành công.

Liên hệ đến cuộc sống hôn nhân, giao tiếp vợ chồng có lẽ cũng rất cần đến 4 xin và 4 luôn. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân không như giữa nhân viên và khách hàng trong lĩnh vực dịch vụ, nên 4 xin và 4 luôn phải được hiểu khác đi một chút và được đặt trên nền tảng của tình yêu thương. Bà Thu Hiên khẳng định: "Với những cuộc hôn nhân hạnh phúc, tình cảm vợ chồng luôn được duy trì bằng lối giao tiếp có văn hóa. Ngược lại, nếu vợ chồng xem nhẹ truyền thống “tương kính như tân”, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng nhàm chán".

Bày đặt, mắc cỡ, sến sẩm...

Khi được hỏi, không ít bà vợ đã trả lời rất nhanh và trung thực, ý chung là: “Trời, vợ chồng mà đi đâu cũng chào hỏi, làm gì cũng cảm ơn thì bày đặt quá!” Chị Ngọc Thúy, nhân viên bưu điện cho biết, vợ chồng chị chung sống gần 10 năm, trong bốn cái “xin” kể trên, chẳng có cái “xin” nào được thực hiện. Buổi sáng, chị dậy sớm nhất nhà, lo điểm tâm cho hai đứa con, chờ con ăn xong là mẹ con lên xe, con đi học, mẹ đi làm.

Còn về chồng chị: “Lúc mẹ con tôi ăn sáng thì có khi ông ấy ra khỏi nhà, có khi còn chưa thức dậy. Nói chung là không có cái màn trình diễn chào anh, chào em gì lúc đi cũng như lúc về. Còn xin lỗi hả? Mấy từ “anh xin lỗi” chỉ xuất hiện thời mới quen nhau, những lúc ông ấy trễ hẹn hay quên gọi điện… Sau đó thưa dần và giờ biến mất luôn.”

Chị than: “Bây giờ mà ông ấy chịu nói xin lỗi chắc phải nói suốt ngày vì quên đón con, đi nhậu làm mất xe, tiền đưa cho vợ ít dần… Bực nhất là ông ấy không hề thấy đó là lỗi của mình, chỉ là chuyện xảy ra ngoài ý muốn”. Cuối cùng thì chữ xin lỗi được bà vợ sử dụng nhiều hơn, nhưng lúc nào cũng kéo dài giọng: “Xin lỗi ông, không có tui thì trong cái nhà này đến cái chổi cùn cũng không có!”.

Chị Cao Thị Phú, tiểu thương chợ Bà Chiểu, ngạc nhiên: “Làm sao tôi có thể luôn mỉm cười khi về nhà vật lộn với cơm nước, giặt giũ, lau nhà… Tôi chỉ cười nổi với con khi nó khoe điểm cao, khi nó ăn ngoan, ngủ sớm”. Chị cũng muốn nói năng dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng cứ nhìn ông chồng dán mắt vào máy tính, ti vi, chị lại phát bực, không khỏi phải gầm lên: “Ăn nhanh lên cho tui dọn dẹp…”.

Cánh đàn ông cũng “tố cáo” các kiểu băng giá của vợ. Ông Phan Thanh Bình - nhân viên ngành điện, cho biết, mỗi lần ông về nhà trễ thì vợ ông hoặc lầm bầm, hoặc im im như không thấy gì. Có hôm ông về nhà sớm, tưởng sẽ thấy vợ tươi cười, không ngờ vợ ông đang nằm dài xem phim bộ trên salon, nhỏm dậy, lườm lườm nhìn chồng rồi buông ra: “Tưởng ai”, làm ông cụt hứng, tịt luôn những lời có cánh định dành cho vợ nhân ngày 8/3.

Thật ra, cặp vợ chồng nào cũng thấy những điểm yếu, điểm xấu của vợ/chồng lúc bận rộn, mệt mỏi dễ khiến các đương sự bực mình, chẳng còn ham giao lưu, mà chỉ muốn “giao đấu”. Tuy nhiên, việc “xin lỗi, cảm ơn, xin chào…” luôn gặp phải rào cản là lối nghĩ: vợ chồng rồi mà, sến sẩm, khách sáo, bày đặt… làm chi! Vì thế, ngày qua ngày họ cứ bỏ dần thói quen chào hỏi lịch sự, nhẹ nhàng, tươi cười mà họ đã thể hiện rất tốt lúc chinh phục nhau.

Vẫn như ngày đầu

Dù vậy, trong cuộc sống, vẫn có không ít cặp vợ chồng giữ được nguyên tắc “tương kính như tân” trong giao tiếp gia đình. Chị Lê Hoàng Hiếu Thảo, giáo viên cấp III, đã lập gia đình sáu năm, chia sẻ kinh nghiệm: "Đừng coi thường việc trò chuyện giữa vợ chồng vì đó là cơ hội vừa để hiểu nhau, vừa bày tỏ sự tôn trọng nhau qua lời nói, thái độ. Vợ chồng tôi thường hẹn hò ở cà phê những tối cuối tuần, nghe nhạc phòng trà, nghe thơ…

Việc tham gia những hoạt động nghệ thuật vừa vui, vừa tạo cho vợ chồng sự đồng cảm, thân thiết. Sáng vợ chồng chia tay đi làm, anh ấy luôn dắt xe cho tôi, chúng tôi không quên chúc nhau một ngày tốt đẹp. Chúng tôi không xem đó là chuyện hình thức mà là tấm lòng dành cho nhau". Chị Thảo cho biết thêm: “Ngày trước, về nhà tôi hay càm ràm do quá mệt vì chuyện nấu ăn, dọn dẹp… Lúc đó thật khó mà ăn nói cho nhẹ nhàng. Nhận ra điều đó, tôi cố gắng tự thay đổi, tranh thủ tập thể dục, dự các buổi chuyên đề về lối sống lành mạnh, về chủ đề dinh dưỡng, quản lý thời gian…

Giảm được suy nghĩ tiêu cực và lãng phí thời gian, tôi tiết kiệm được năng lượng, nên dù cũng chừng đó công việc nhà nhưng giờ làm lại thấy… khỏe. Chồng tôi thấy vợ vui vẻ, dễ chịu cũng vào bếp, phụ giúp. Tôi luôn cảm ơn khi được anh ấy quan tâm. Lúc đầu anh thường nói “Có gì mà cảm ơn”, nhưng rồi anh cũng ảnh hưởng, khi cần vẫn nói “cảm ơn vợ”. Thói quen đó giúp chúng tôi biết trân trọng những niềm vui vợ chồng mang lại cho nhau hơn.

Bà Thu Hiên, trong một buổi nói chuyện về chủ đề giao tiếp vợ chồng, đã chia sẻ “chuyện nhà tôi” của bà: "Chồng tôi đi làm về, bao giờ đến cửa cũng gọi lớn: “Mình ơi, anh đã về”, còn tôi dù đang dọn dẹp hay cơm nước cũng dừng tay, chạy ra đón chồng: “Anh đã về”, rồi xách chiếc cặp của chồng và cùng vào nhà.

Từ ngày cưới nhau cho đến lúc anh mất, việc chào hỏi nhau của chúng tôi đã thành thói quen, ngay cả khi giận hờn. Những tiếng xin lỗi, cảm ơn cũng trở nên quen thuộc giữa vợ chồng. Chúng tôi đi đâu cũng báo cho nhau biết. Vợ chồng giữ được nét đẹp trong giao tiếp không chỉ tạo ra hạnh phúc mà còn là tấm gương để con cái noi theo".

Theo Trường Sơn (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm