Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2:

Bức di chúc trước chuyến bay giải cứu ở Guinea Xích Đạo

(PLO)- Với những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, năm 2020 còn gọi vui là năm COVID-19 thứ nhất đã làm nên một cuốn hồi ký với nhiều bí mật "dở khóc, dở cười". 
Hơn một năm kể từ ngày ca mắc COVID-19 xuất hiện, có quá nhiều thứ bị đảo lộn, đó là kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của học trò, của ngành giáo. Đó là những ngày giãn cách xã hội, ngưng toàn bộ các chuyện bay trong nước. Đó là những ngày, người dân đi chợ phải dùng phiếu và là những ngày Tết Tân sửu rất khác của hàng chục nghìn người trong khu cách ly.
Mỗi ngành nghề có những cái lạ khác nhau nhưng riêng với những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, năm 2020 hay còn gọi vui là năm COVID-19 thứ nhất đã làm nên một cuốn hồi ký với nhiều bí mật “dở khóc dở cười”.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng 
Kết thúc ca trực cuối tuần, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có mặt tại cuộc hẹn với chúng tôi, sớm hơn dự kiến 5 phút. Chỉnh lại cổ áo, bác sĩ Hùng đặt câu hỏi với chúng tôi.
“Giờ kể về gì nhỉ, về những kỷ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm. Năm 2020 là năm đi vào lịch sử nghề nghiệp của tôi, có thể viết được một cuốn hồi ký chống dịch đó” – Bác sĩ Hùng mở đầu câu chuyện rất vui vẻ.
. PV: Một năm chống chọi với 4 đợt COVID-19 khá vất vả trôi qua, vậy ông hãy thử trích lại câu chuyện nhỏ trong hồi ký về kỳ nghỉ Tết năm 2020 của mình được không?
+ Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: “Kỳ nghỉ Tết”? Tôi không cho đó là một kỳ nghỉ đâu. Năm ngoái, dù chưa ghi nhận ca mắc nào tại Hà Nội nhưng Ban giám đốc bệnh viện đã luôn sẵn sàng phương án cho tình huống có bệnh nhân COVID-19.
Khoa Hồi sức tích cực và Khoa Cấp cứu là 2 đơn vị trực chiến, tôi là thành viên trong đó. Chúng tôi xác định chỉ đón Tết quanh quẩn ở Hà Nội, bất cứ tình huống nào được huy động đều phải có mặt ở bệnh viện sớm nhất có thể. Không chỉ riêng tôi mà tất cả nhân viên BV đều có tâm lý sẵn sàng ấy.
29 Tết, thông tin về 2 ca mắc đầu tiên dương tính tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tinh thần “không có Tết” của chúng tôi càng cao hơn.
Điện thoại 24/24 ở trong tay tôi, luôn đầy pin và chuông to nhất vì tôi đánh giá, đứng trước trận chiến mà bản thân chúng ta chưa nhìn thấy, chưa hiểu rõ về địch thì đó là một trận chiến rất khó.
Mùng 5 Tết, các đơn vị đi làm trở lại cũng là lúc chúng ta tiếp nhận ca COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội.
“Vậy là tôi cũng được cái Tết trọn vẹn nhưng tâm thế khá thấp thỏm, lo lắng”. 
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Hôm đó tôi đi làm chỉ nghỉ là đi làm bình thường nên khi nhận ca COVID-19 đầu tiên, tôi xin về lấy quần áo và nhận luôn nhiệm vụ lấy “hành lý” của anh Cấp (Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – PV).
. Làn sóng thứ nhất có quá khó khăn với mọi người? 
+ Những ca COVID-19 đầu tiên đều từ Vũ Hán về, tất cả đều ổn định. Từ phác đồ điều trị của Bộ Y tế và kiến thức cập nhật nên việc điều trị khá dễ dàng. 16/16 bệnh nhân ở “làn sóng thứ nhất” xuất viện khoẻ mạnh.
Có thể nói qua làn sóng thứ nhất, chúng tôi có thêm một chút kinh nghiệm về dịch bệnh. Có cái nhìn bao quát hơn về COVID-19.
Sau khi ca COVID-19 cuối cùng trong “làn sóng thứ nhất” xuất viện. Người dân bắt đầu đếm những ngày không có ca mắc trong cộng đồng, tâm lý chủ quan với dịch xuất hiện với nhiều người.
. Hẳn là có bệnh nhân COVID-19 gây ấn tượng suốt quá trình điều trị, thua bác sĩ? 
+ Bệnh nhân thứ 17 được đưa vào Bệnh viện vào ngày 5-3, kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, đánh dấu cho “làn sóng COVID-19 thứ 2” ở Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ, đó là ca trực của tôi, BN17 đến khám và được cách ly ngay trong phòng áp lực âm. Linh cảm không cho phép chúng tôi chủ quan, BN17 được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với COVID-19.
Tôi thấy bạn này là người đen đủi, không may khi trở thành người mở đầu cho làn sóng thứ 2. Thời điểm đó, có rất nhiều người trở về từ nước ngoài mắc COVID-19, nhưng bạn này được phát hiện trước và nhận phải nhiều gạch đá hơn hết.
Thời điểm đó rất dậy sóng, tôi nhớ BN17 bị ném đá rất nhiều, khiến bản thân rất áp lực. BN17 bị hoảng loạn về tâm lý trước công kích từ dự luận xã hội.
Tôi đã nhiều lần nhắn tin, khuyên bạn khóa Facebook, khóa mạng xã hội để tập trung chữa bệnh nhưng không được. Để tránh những tiêu cực tâm lý cho bệnh nhân, có lúc tôi nghĩ sẽ cắt wifi cho BN17 thoát ra vòng xoáy dư luận, thế nhưng bạn ấy lại dùng 3G (mạng di động). Mà càng theo dõi, càng thấy bị ném đá, BN17 lại càng suy sụp.
Nắm bắt được vấn đề của BN17, từ đó lãnh đạo khoa yêu cầu tập trung điều trị tâm lý cho bệnh nhân trước. Với vai trò bác sĩ trực tiếp, tôi phải động viên, nhắn tin rất nhiều với BN17.
Khá vất vả tôi mới thuyết phục được bạn chỉ dùng điện thoại liên lạc với gia đình, tạm khóa mạng xã hội lại. Có thời điểm, chỉ cần thấy số lạ là bạn lại sợ hãi. Việc điều trị khá khó khăn.
Khi bạn bình ổn tâm lý, tôi cho bạn tự liệt kê quá trình về nước thế nào, tiếp xúc với ai, đi đâu và ký cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đem thông tin đối chiếu thì thấy những đồn đoán trên mạng xã hội đều không đúng. Khi này mình mới hiểu, BN17 bị áp lực nhiều là do fakenews, thông tin bị bóp méo.
Có chi tiết tôi nhớ nhất về BN17, đó là câu chuyện liên quan đến BN19 (bác bệnh nhân 17).
Nhiều người từng đặt vấn đề, cho rằng BN17 lây bệnh cho bác gái xong không quan tâm. Nhưng thực ra BN17 rất thường xuyên nhắn tin hỏi thăm BN19, bạn này còn đòi bằng được lên gặp bác (BN19) trước khi xuất viện.
“Trong căn phòng 15m2, tôi xem qua camera hằng ngày, thấy BN17 hay quỳ trên giường, chắp tay cầu nguyện cho bác mình. Đến khi xuất viện, BN17 nhắn tin cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Bạn ấy là một người sống rất tình cảm và có trách nhiệm”. 
Bản di chúc đặc biệt trước chuyến bay giải cứu 
. Cuối tháng 7-2020, ông làm trưởng đoàn bác sĩ sang Guinie Xích Đạo thực hiện chuyến bay giải cứu hơn 120 bệnh nhân mắc COVID-19 về nước. Chuyến bay đó với ông, cảm xúc lớn nhất là gì?
+ Một chuyến đi giàu cảm xúc, từ lo lắng, hồi hộp, hạnh phúc đến tự hào.
Đến giờ tôi vẫn chưa quên được những cảm xúc đan xen trong chuyến bay đặc biệt đó. Có quá nhiều kỷ niệm với đoàn chúng tôi.
Từ khi nhận nhiệm vụ làm trưởng đoàn y tế đi đón các bệnh nhân ở Guine Xích Đạo, tôi lo lắng rất nhiều. Nói không lo lắng cho bản thân là nói dối, nhưng việc lo lắng có hoàn thành nhiệm vụ hay không mới là cảm xúc chính.
Lần đầu tôi đi sang Châu Phi, lại là chuyến đi đón 219 công dân về nước, thông tin ban đầu lại có hơn 120 ca dương tính với COVID-19, trong khi đó có đến 30 bệnh nhân đang nằm viện, 7 bệnh nhân phải thở oxy, tức là tình hình bệnh nhân khá nặng. Tình hình trên khiến cả đoàn áp lực khủng khiếp.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra, trong không gian hẹp, khả năng lây lan rất lớn làm sao để an toàn cho những bệnh nhân chưa mắc? Thiết bị mang lên máy bay hạn chế, làm thế nào với trường hợp bệnh nhân trở nặng trên chuyến bay. Làm sao đủ máy thở cho bệnh nhân, bóp bóng tay liệu có đủ đáp ứng?... Vô vàn câu hỏi đặt ra buộc cả đoàn phải giải quyết, tự mày mò.
Chúng tôi có 2 tuần để lên kế hoạch cho mọi tình huống, sắp xếp thiết bị y tế sao cho gọn nhẹ và hữu dụng nhất.
Được lãnh đạo bệnh viện quan tâm, tạo điều kiện, thêm vào đó là sự giúp đỡ của các Bộ ngành trong khẩu chuẩn bị giấy tờ, hộ chiếu. Kể cả các thầy từ Đại học Bách Khoa tư vấn phân chia khoang máy bay tránh lây nhiễm, chuẩn bị trang thiết bị… khối công việc khổng lồ được giải quyết từ từ và sẵn sàng cho chuyến bay sớm.
Chuyến bay từ Việt Nam sang Guinie, đường bay sẽ bay qua 11 quốc gia, lãnh thổ, lại là đường bay bao giờ chưa khai thác. Ngoài những thông tin từ nước bạn là có 120 ca chúng tôi không có thông tin gì khác.
Có một câu chuyện khá thú vị đó là trong đoàn nhân viên sang Châu Phi có một bạn điều dưỡng, là người theo đạo, bạn này xưa nay rất kỹ tính, chu toàn. Trước khi tham gia chuyến bay này, bạn ấy đã viết di chúc để lại, theo kiểu đi làm nhiệm vụ và sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
“Thực sự, đoàn đi “giải cứu” đều là những thành viên tự nguyện, không hề có ai bị ép buộc, bạn này cũng không ngoại lệ. Vậy nên khi biết bạn viết di chúc để lại, mọi người thấy buồn cười, đáng yêu hơn là lo lắng. Rất may bản di chúc không có hiệu lực và không phải công bố” (Cười).
Trải qua chuyến bay dài, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay qua Bata (Guinie Xích Đạo), qua cửa sổ máy bay, tôi thấy các công dân tập trung ở đây khá đông. Họ hò reo, vỗ tay, lúc đó tôi cảm nhận rõ hơn, đây không đơn thuần là một chuyến bay mà là một niềm tin, một lời hứa không để ai lại phía sau. Giá trị về mặt nhân văn của chuyến bay rất lớn.
Theo kịch bản, khi bay đến nơi, máy bay sẽ tiếp nhiên liệu trong 2 tiếng nhưng ngặt nỗi sân bay Bata không có nhiên liệu, họ phải đi lấy xăng cách đó 30km và chỉ có 1 cái xe đi chuyên chở nhiên liệu. Họ đi đi về về mất 6 tiếng và kịch bản bị thay đổi.
6 tiếng lúc đó quá dài, mong mỏi được về nước dồn nén khiến tâm lý của mọi người rất nặng nề.
Sau khi tiếp nhiên liệu đoàn công tác thực hiên công tác đưa công dân lên máy bay.
Tôi nhớ mãi khoảnh khắc mọi người ổn định chỗ ngồi, máy bay lăn bánh thì trời đổ mưa rất to, mưa tầm tả. Cảm giác bùi ngùi kinh khủng. 
Chuyến bay trở về, tốt đẹp hơn dự kiến. Không có tình huống xấu nào xảy ra. Các bệnh nhân cai máy thở hoàn toàn. Trong đời tôi, chưa có chuyến bay nào dài như thế, suốt hành trình chỉ biết cầu nguyện để máy bay mau đến.
Hạ cánh ở Nội bài lúc gần 17h chiều, ai cũng thở phào. Các công dân trên máy bay thì vỡ oà, “được cứu rồi, sống rồi”. Lúc đó cảm xúc tự hào và hạnh phúc lắm. 
. Ông có từng lo lắng mình bị mắc bệnh?
+ Đương nhiên là có, tôi cũng như bất cứ ai tham gia đoàn giải cứu đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Nhưng nhiệm vụ quá lớn, lúc đó tôi chỉ có mối quan tâm nhiều nhất là có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Làm sao ổn định tâm lý cho đoàn công tác, công dân? Giả sử với bệnh nặng sẽ xử lý ra sao. Bệnh nhân không may tử vong thì sao…
Nhiệm vụ quá lớn lúc đó lấn át nỗi lo cho bản thân mình.
. Khi dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, những tháng ngày sắp tới của ông và các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ như thế nào?
+ Chúng ta đã điều trị rất nhiều bệnh nhân nặng trong năm qua, phác đồ rõ ràng. Thêm đó là sự vào cuộc sát sao của các ban bộ, khoanh vùng dập dịch, cách ly chắc chắn. Về phía bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã lên phương án dự phòng, chuẩn bị nhiều tình huống.
Năm nay, chúng ta đang ở thế chủ động hơn, kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 một năm qua, nói thừa thì hơi quá nhưng đủ để bác sĩ xoay chuyển.
. Một năm chống dịch COVID-19 đã trôi qua, ông nghĩ gì?
+ Ngành y là một ngành rất đặc biệt, tôi cảm động vì sau dịch COVID-19 đâu đó ngoài xã hội mọi người đã nhìn nhận đúng hơn về y tế nhất là những người ở tuyến đầu chống dịch.
Chúng tôi nhận được sự động viên từ những người không quen biết, những gửi gắm tình cảm của cộng đồng, xã hội qua mạng xã hội… Hơn bao giờ hết, khoảng cách giữa nhân viên y tế và công chúng gần gũi hơn, thân thiết hơn rất nhiều. Cảm ơn xã hội, cảm ơn mọi người đã dành tình cảm trân quý cho tuyến đầu chống dịch.
Năm COVID-19 thứ nhất trôi qua, năm mới đến, bản thân tôi đã thay đổi nhiều, trước hết là bản thân già đi 1 tuổi, tôi đùa thôi.

Những ngày này, sau những giờ bị cuốn vào công việc, khi ngồi ở quán cà phê nhìn mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Tôi thấy mọi thứ bình yên hơn.
HÀ PHƯỢNG 

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới