“Tháng 10 năm ngoái, Đà Nẵng mới chỉ lần đầu tổ chức hội thảo về vi mạch bán dẫn. Đến hôm nay tôi thật sự bất ngờ khi biết TP chỉ mất 11 tháng để xây dựng, trình Quốc hội thông qua nghị quyết 136/2024 với nhiều cơ chế đặc thù liên quan ngành này. Đây là khoảng thời gian quá sức ấn tượng với những người tham gia làm chính sách”.
Phát biểu tại sự kiện Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 diễn ra ngày 30-8, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chia sẻ như trên.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Ông Erich Juang, Phó Tổng giám đốc Viện nghiên cứu bán dẫn TSRI (Đài Loan) cho rằng, muốn phát triển ngành vi mạch bán dẫn cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Việc đào tạo 100 - 200 nhân lực thì dễ nhưng xây dựng cả một ngành vi mạch bán dẫn thì cần hơn 1.000 nhân lực chất lượng cao. Việc kết hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và chính quyền rất quan trọng.
“Khi việc hợp tác được thực hiện tốt, Đà Nẵng sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi đang cố gắng tăng cường kết nối với Việt Nam và Đà Nẵng để có nhiều chương trình đào tạo hơn", ông Erich Juang cho hay.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Dũng, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Sovico cho rằng, điều đầu tiên mà Đà Nẵng cần làm chính là đào tạo nhân lực. Công ty TNHH Synopsys International và Công ty CP Tập đoàn Sovico đã quyết định thành lập trung tâm đào tạo thiết kế bán dẫn với việc cung ứng những phần mềm, công cụ, hệ thống mô phỏng.
Mục tiêu là tạo ra trung tâm làm dịch vụ thiết kế, xuất khẩu kỹ sư thiết kế cho toàn thế giới. Điều quan trọng là cần phải xây dựng hệ thống nguồn cho hệ bán dẫn này với khâu sản xuất chip. Điều này sẽ hỗ trợ cho Đà Nẵng tạo nên những nhà máy sản xuất chip.
“Đà Nẵng làm sao phải kết nối những đối tác xây dựng nhà máy sản xuất chip lớn ở địa phương. Cũng giống như ngành công nghệ khác, ngành vi mạch bán dẫn cũng có giai đoạn vàng, bùng nổ nhất định nên chúng ta phải nhanh”, ông Dũng nói.
Tham vọng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn hàng đầu Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, Đà Nẵng có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển. Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội càng tiếp thêm động lực để thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư vào TP.
Ông Phương đề nghị Đà Nẵng chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trước mắt cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng để thúc đẩy phát triển bền vững.
Đà Nẵng cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, dự án nêu tại Đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hoàn thành mục tiêu đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, lãnh đạo TP đã thống nhất chủ trương lấy ngày 30-8 hàng năm là Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.
TP xác định bốn trọng tâm để phát triển ngành này. Thứ nhất là xác định trách nhiệm của nhà nước, chính quyền TP trong việc xây dựng thể chế.
Thứ hai là hợp tác cùng thắng lợi. Cùng với cơ chế ưu đãi Đà Nẵng tạo ra thì TP cũng muốn nhà đầu tư đáp ứng được các nhu cầu của TP và phải cam kết đồng hành lâu dài với TP.
Thứ ba là các điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực, yếu tố mang tính quyết định dẫn đến thành công. Thứ tư, TP rất cần doanh nghiệp cam kết chuyển giao công nghệ, chia sẻ với nhau. TP cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt nhất.
“Trước mắt, Đà Nẵng sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu rất lớn, chứ không phải đào tạo nhân lực phục vụ cho Đà Nẵng hay Việt Nam mà hướng tới nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu”, ông Quảng nhấn mạnh.
Theo ông Quảng, Đà Nẵng sẽ đưa Khu công viên phần mềm số 2 vào hoạt động từ cuối năm 2024. Hiện Bộ TT&TT đã có tờ trình Chính phủ công nhận Khu công viên phần mềm số 2 là Khu công nghệ thông tin tập trung. Đây là một trong những điều rất phấn khởi đối với TP.
“Tôi tin tưởng với sự quyết tâm đồng lòng, sự chân tình hợp tác của các bên, thời gian tới TP sẽ từng bước trở thành một trung tâm vi mạch bán dẫn hàng đầu của Việt Nam. Góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn toàn cầu”, ông Quảng cho hay.
Tại dự thảo Đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn.
Về cơ cấu lĩnh vực, có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói cung cấp nguồn nhân lực ưu tiên cho Đà Nẵng và hướng đến các địa phương khác trong cả nước, một số thị trường quốc tế có hợp tác với Đà Nẵng.