Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, nhiều hộ dân ở đường Phạm Thị Trăm, ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết hơn hai tháng qua họ phải oằn mình chịu đựng mùi hôi, tiếng ồn, bụi nhựa… phát ra từ cơ sở sản xuất bồn rửa Trường Giang gần đó.
Dọn mâm cơm lên không dám ăn
“Ở sát cạnh cơ sở Trường Giang nên nhà tôi gồm sáu người lớn và hai trẻ nhỏ bị hành bởi tiếng ồn, mùi hôi nhiều nhất. Do cơ sở sản xuất bồn rửa mặt, bồn rửa chén bằng nhựa composite nên bụi nhựa liên tục bay qua, buộc tôi phải đóng kín cửa nẻo suốt ngày. Lúc nào quên đóng là bụi trắng khắp nơi, dính vào quần áo, thức ăn, dọn mâm cơm lên rồi phải đổ bỏ vì không dám ăn. Cây cối sau nhà cũng bám đầy bụi trắng” - bà Bùi Thị Kim Ái (nhà số 9A) than thở.
Đưa chúng tôi xem sổ khám bệnh của cháu ngoại - bé Nguyễn Hoàng Thịnh (ba tuổi), bà Ái thở dài: “Trước nó khỏe mạnh, cứng cáp lắm. Từ khi cơ sở này mở cửa hoạt động hồi tháng 11-2017, cháu tôi cứ khò khè, khó thở suốt. Bác sĩ nói cháu bị viêm mũi họng cấp. Tôi cũng được chẩn đoán bị hen… Cứ kéo dài như vầy e không ổn”.
Gương mặt rầu rầu, ông Huỳnh Văn Xuân (63 tuổi, nhà số 5) chia sẻ: “Dù ở cách cơ sở Trường Giang khá xa nhưng chúng tôi cũng không đỡ hơn là bao. Lúc nào nhà cửa cũng bụi và hôi, ai đến chơi chỉ ngồi chừng 10 phút là vội đi vì ô nhiễm quá”.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Thu Hồng bức xúc: “Tôi có bảy cháu nội, ngoại thì tất cả đều bị ho khan, viêm họng vì thường xuyên hít thở không khí như vậy. Tôi định bán nhà nhưng ngặt nỗi cũng không ai dám mua vì sợ ôm bệnh”.
Cơ sở Trường Giang và các thùng hóa chất dùng trong quá trình sản xuất bồn nhựa. Ảnh: TRẦN NGỌC
Hai lần kiểm tra
Ông Trần Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, cho biết cơ sở Trường Giang hoạt động với ngành nghề sản xuất, mua bán bồn rửa mặt, bồn rửa chén bằng nhựa composite. Trước phản ánh của các hộ dân liên quan đến việc cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ngày 28-11-2017, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp với xã Bình Mỹ kiểm tra.
Đoàn kiểm tra ghi nhận trong quá trình hoạt động, cơ sở Trường Giang có phát sinh mùi hôi, bụi đặc trưng ra môi trường chung quanh. Phòng TN&MT huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cơ sở này vì hành vi “không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường”.
“Phòng TN&MT huyện cũng đã ban hành quyết định xử phạt và buộc cơ sở Trường Giang phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm” - ông Thái nói.
Mới đây, ngày 9-1, Phòng TN&MT huyện phối hợp với xã tổ chức kiểm tra lần hai thì nhìn chung cơ sở hoạt động vẫn còn phát sinh mùi hôi, bụi ra môi trường chung quanh, chưa che chắn kín khu vực phát sinh mùi sơn, tiếng ồn.
Cơ sở còn lưu chứa và sử dụng một số hàng hóa, hóa chất phục vụ cho sản xuất bồn rửa như nhựa polypropylene, chất whiteness, bột đá… Bên cạnh đó, chất thải vẫn lưu giữ lộ thiên và cơ sở chưa xuất trình chứng từ thu gom, xử lý chất thải này.
Đoàn kiểm tra đã đề nghị chủ cơ sở phải xử lý triệt để toàn bộ chất thải (gồm khí thải, bụi, chất thải rắn công nghiệp và nguy hại) đồng thời không để phát sinh mùi, tiếng ồn ra môi trường chung quanh. UBND xã Bình Mỹ đã kiến nghị Phòng Kinh tế huyện kiểm tra, xử lý việc sử dụng hóa chất tại cơ sở, đồng thời xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề cho những cơ sở có hoạt động tương tự ngay trong khu dân cư hiện hữu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Đinh Ngọc Sơn, chủ cơ sở sản xuất bồn rửa Trường Giang, cho biết cơ sở vẫn thực hiện một số giải pháp để giảm thiểu tiếng ồn, mùi hôi và bụi bặm phát tán ra môi trường chung quanh. “Sau buổi kiểm tra chiều 9-1, tôi có gửi đơn đề nghị Phòng TN&MT huyện mang thiết bị để đo chỉ tiêu tiếng ồn, mùi hôi và bụi bặm của cơ sở phát tán ra môi trường có vượt quy định cho phép không. Hiện chúng tôi chờ phản hồi từ phía cơ quan chức năng” - ông Sơn nói. |