Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đã gác lại những tình cảm riêng tư làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía nam muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt.
Nhà giàn, như những chòi canh bé nhỏ lọt thỏm giữa biển khơi. Có những người chiến sĩ quanh năm chỉ sinh hoạt, ăn ở, huấn luyện trong diện tích bé hẹp và nỗi nhớ đất liền da diết. Những ai đã từng đặt chân lên nhà giàn sẽ thấu hiểu những gian khổ mà chiến sĩ nơi đây phải chịu đựng. Nơi ấy, đã có những con người mãi ra đi vì sự bình yên của Tổ quốc.
Tàu dừng lại thả hoa tưởng niệm tại nhà giàn DK1 Phúc Nguyên vào tháng 4-2014. Ảnh: TM
Năm 1990, dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy - Trạm phó Chính trị nhà giàn Phúc Tần Nguyễn Hữu Quảng các cán bộ, chiến sĩ đã ra sức chống chọi với cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12. Nhưng đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả tám cán bộ, chiến sĩ xuống biển, trong đó có ba đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thế hệ lính nhà giàn đến nay vẫn còn nhắc nhớ rằng trong cận kề giữa sự sống và cái chết, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất.
Năm 1998, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8, nhà giàn Phúc Nguyên bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội. Đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng và tám cán bộ, chiến sĩ đã kiên trì chống chọi với tinh thần còn người, còn nhà giàn, quyết bám trụ đến cùng. Nhưng rồi, Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng đã chào vĩnh biệt đất liền để rồi mãi nằm lại với biển khơi...
Mới đây nhất, chiều 7-10, đồng chí Dương Văn Bắc đã hy sinh tại nhà giàn DK1/11 trong khi làm nhiệm vụ. Sự ra đi của anh Bắc đã làm nhiều trái tim thổn thức. Vừa hay tin anh Bắc mất, trên trang Facebook Lính biển Việt Nam đã có người viết nên bài thơ vĩnh biệt “Tiếc thương lính nhà giàn”:
Lặng nghe tin đồng đội hy sinh rồi/ Chả ai bảo ai cả phân đội chúng tôi/ Cùng đứng lên trang nghiêm chào tiễn biệt/ Hướng nhà giàn Tư Chính cắn chặt môi…/ Đau xót nhiều, thương lắm anh Bắc ơi!.../ Vợ con anh khóc ngặt chẳng nên lời…
Mỗi lần đoàn công tác ra Trường Sa khi đi ngang thềm lục địa phía nam đều dừng lại thả neo làm lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống giữa lòng biển khơi vì sự bình yên của Tổ quốc. Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt đã hòa vào biển mặn khi Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư Đảng ủy Chính ủy Hải quân, thành tâm đọc diễn văn tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía nam: “Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa...”.
Các anh nằm xuống, hóa thân cùng sóng nước đại dương. Sự hy sinh của những người lính nhà giàn đã kết nối bền chặt hơn triệu triệu trái tim với biển.
THANH MẬN