Những ngày này, đồng đội anh Bắc đã tựu về căn nhà nhỏ của anh ở Vũng Tàu để được ở bên anh lần cuối. Họ nhắc nhớ người con xứ Nghệ kiên cường bám biển, nhiệt huyết trong công việc, tận tụy với đồng đội, chung thủy với vợ con, hiếu nghĩa với gia đình.
Trong ký ức của đồng đội
Các đồng đội của anh Bắc còn nhớ năm 1997, trong một lần đơn vị tập huấn luyện bơi vũ trang tại sông Dinh, một đồng đội bị đuối nước. Nhanh như cắt, từ trên cầu cảng Hải đội 812, Bắc lao xuống nước bơi nhanh đến dìu đồng đội vào bờ. Bị uống một bụng nước, song Bắc vẫn vui cười, không nề hà mà coi đó là trách nhiệm giúp đồng đội gặp hoạn nạn. Sau lần đó, Bắc được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trung úy Trương Công Định, đồng đội thân của Bắc, cho biết: “Chú Bắc có tinh thần đồng đội rất cao. Tất cả công việc đơn vị giao đều hoàn thành. Mà cũng lạ thật, người chỉ một “mẩu” (ý nói thấp người - NV) mà rất đa năng, việc gì cũng biết, cũng giỏi”.
Anh Bắc (phải) trong giờ huấn luyện quan sát mục tiêu tại nhà giàn. Ảnh: T.CƯỜNG
Tháng 4-1996, Bắc đi làm nhiệm vụ tại nhà giàn Phúc Tần lần đầu tiên. Một buổi chiều, sau bốn tháng đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, Bắc bị đau ruột thừa. Lúc đó phương tiện cấp cứu trên nhà giàn còn thô sơ chứ không như bây giờ. Bắc được chuyển xuống tàu trực khẩn cấp đưa ra Trường Sa cấp cứu. Trung úy Bùi Ngọc Long, người đón anh Bắc từ Trường Sa Lớn trở về, kể lại: “Trong cơn đau đứt ruột, Bắc vẫn vui cười chịu đựng. Chú ấy còn dặn lại: “Mấy bồn rau trên nhà giàn còn trồng dở, chờ tớ mổ xong sẽ về trồng tiếp nhé”. Dù trong bất cứ điều kiện khó khăn nào, Bắc vẫn lạc quan”.
Sáng 10-10, nhiều đồng đội, người thân đã đến nhà riêng của anh Bắc ở hẻm 1480 đường 30/4, phường 12, TP Vũng Tàu viếng anh. Trong niềm đau đưa tiễn đồng đội, Thiếu úy Trương Công Định không kìm được xúc động: “Tôi với Bắc công tác với nhau cùng đơn vị hơn chục năm. Ở bờ, Bắc là người nhiệt tình trong công tác, gương mẫu trong chấp hành kỷ luật. Trên biển, Bắc rất kiên cường trước mọi gian khó”.
Trung úy Phạm Thành An từ nhà giàn DK1/12 gọi điện thoại về cho biết: “Khi nghe tin Bắc bị rơi xuống biển, chúng tôi bàng hoàng. Từ nhà giàn bên này, chúng tôi thông tin cho nhau và mong sao không có chuyện gì xảy ra. Khi Bắc trút hơi thở cuối cùng, chúng tôi ra lan can nhìn sang phía nhà giàn DK1/11 nơi có Bắc nằm đó. Có chiến sĩ liên tục đi xuống cầu thang rồi đi lên, có người vào viết nhật ký… Anh em buồn quá. Ở ngoài biển, sóng to gió lớn thất thường, chuyện hy sinh ai lường trước được”…
Lỗi hẹn
Trong nỗi đau xé lòng mất người thân yêu nhất, chị Vương Thị Trâm nghẹn ngào kể lại: “Trước khi đi nhà giàn, vợ chồng em làm căn nhà mới. Tân gia được một tuần thì anh ấy đi. Ngày chưa có vợ, anh ấy chủ yếu ăn tết ở nhà giàn. Gần chục năm cưới nhau, vợ chồng gặp nhau rất ít. Khi có con, mỗi lần về bờ nghỉ phép, anh lại chở mẹ con đi dọc bãi biển Vũng Tàu như một cách để bù đắp. Đêm trước ngày anh hy sinh, em vẫn còn nói chuyện với anh ấy. Anh ấy hẹn em tháng 11 sẽ về và công tác ở bờ luôn. Vậy mà anh ấy lỗi hẹn với mẹ con em”.
Đứa con trai đầu lòng tám tuổi dù chưa đủ lớn nhưng cũng cảm nhận được nỗi mồ côi mất cha. Cháu Dương Nguyên Khôi nhìn lên di ảnh cha khóc nghẹn: “Bố Bắc ơi, bố nói bố về với con kia mà! Hôm đấy, bố điện thoại bảo tháng 11 về mà…”.
Đồng đội kể khi vớt được thi thể của anh Bắc lên, nhìn bộ quân phục, cầu vai quân hàm anh mang vẫn còn nguyên vẹn trên người, có người đã khóc òa, có người kêu nghẹn: “Bắc ơi!...”. Giữa sóng gió biển khơi, đồng đội thu xếp quân trang vật dụng của anh vào chiếc vali sắt cũ sờn có ghi tên “Bắc”, thắp nén hương đầu tiên cho anh ở nhà giàn, mọi người đã không cầm được nước mắt. Từ ngày đó, biển khắc nhớ tên anh…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi vòng hoa Lúc 15 giờ 30 ngày 7-10-2014, Thượng úy Dương Văn Bắc cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hệ thống vật cản dưới sàn cập tàu. Do sóng to, gió lớn, anh Bắc đã bị rớt xuống biển và bị sóng nhấn chìm. Ngay sau đó, nhà giàn DK1/11 báo động cứu hộ cứu nạn, huy động lực lượng tìm kiếm. Sau 30 phút, Bắc được vớt lên. Được đồng đội tận tình cứu chữa nhưng do ngạt thở lâu dưới nước, đến 20 giờ cùng ngày Thượng úy Dương Văn Bắc đã hy sinh. Xét thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, quân chủng Hải quân đã ký quyết định thăng quân hàm trước niên hạn từ thượng úy lên đại úy cho Dương Văn Bắc. Chiều 9-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi vòng hoa viếng Đại úy Dương Văn Bắc. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội; Tư lệnh, Chính ủy Hải quân cũng đã có vòng hoa viếng và chia buồn cùng gia quyến. Bộ Quốc phòng đã trao số tiền 50 triệu đồng và động viên gia đình nén đau thương, vượt qua khó khăn. Tại quê hương xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), UBND xã đã tổ chức lễ truy điệu cho anh Bắc. Đông đảo bà con, xóm giềng đến thắp hương, chia buồn cùng gia đình. 8 giờ hôm nay (11-10), lễ truy điệu Đại úy Dương Văn Bắc tiến hành tại gia đình, sau đó an táng tại nghĩa trang Long Hương, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bắc là con thứ chín của gia đình có 10 anh chị em. Ngày mới nhập ngũ, Bắc viết thư về hỏi tôi: “Sống đẹp là thế nào hở chị?”. Tôi bảo, sống đẹp là sống có lý tưởng. Bắc nói thêm: “Sống đẹp là không vô cảm trước cuộc sống”. Khi đi học ở Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân ở Cát Lái (TP.HCM), Bắc viết thư về cho tôi với những dòng thế này: “Em đã nhận ra lý tưởng sống của em rồi. Đó là lý tưởng sống đẹp vì Tổ quốc. Em là người lính, sống đẹp là vững chắc tay súng bảo vệ quê hương phải không chị?”. Bây giờ, em không còn để chị gọi tên em nữa, Bắc ơi!... Chị DƯƠNG THỊ HOA, chị anh Bắc |