Các lựa chọn tương lai của lính Wagner sau binh biến ở Nga

(PLO)- Gần 2 tuần khi khủng hoảng Nga-Wagner kết thúc, tương lai của lực lượng Wagner vẫn là câu hỏi lớn. Liệu họ sẽ gia nhập quân đội Nga, theo ông chủ của mình hay có kế hoạch nào khác?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 26-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi mở tương lai cho lính Wagner. Những người lính Wagner đã tham gia nổi loạn có cơ hội tiếp tục phục vụ nước Nga bằng cách ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng hoặc các cơ quan an ninh khác. Hoặc có thể trở về nhà hoặc chuyển đến Belarus, đài RT đưa tin.

Gần 2 tuần khi khủng hoảng Nga-Wagner kết thúc, tương lai của lực lượng Wagner vẫn là câu hỏi lớn.

Ngừng chiến đấu ở Ukraine

Trùm Wagner - ông Yevgeny Prigozhin (trái) nói chuyện với các chiến binh Wagner ở TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (Ukraine) ngày 25-5. Ảnh: REUTERS

Trùm Wagner - ông Yevgeny Prigozhin (trái) nói chuyện với các chiến binh Wagner ở TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (Ukraine) ngày 25-5. Ảnh: REUTERS

Một thông tin đáng chú ý là nhóm Wagner đã không còn tham chiến tại Ukraine. Ngày 29-6, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) - ông Andrey Kartapolov thông báo lãnh đạo tập đoàn Wagner - ông Yevgeny Prigozhin đã từ chối ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, thế nên nhóm lính Wagner sẽ không còn tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Vào thời điểm xảy ra cuộc binh biến, không có chiến binh Wagner nào ở tiền tuyến [Ukraine] vì tất cả họ đều đóng quân trong các trại. Thực tế, việc đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine được tiến hành mà không có sự tham gia của lính Wagner” - theo ông Kartapolov.

Vị quan chức lưu ý rằng Nga có lực lượng dự bị để thay thế lính Wagner, thế nên sự vắng mặt của lực lượng này “không tạo ra mối đe dọa nào lên việc giảm tiềm năng chiến đấu, cả trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn”.

Trao đổi với tờ Ukrainska Pravda ngày 29-6, Giám đốc Tổng cục Tình báo Ukraine - ông Kyrylo Budanov cũng cho rằng sau các “xáo trộn” thì nhóm Wagner sẽ không tham gia vào các hoạt động chiến sự trên lãnh thổ Ukraine nữa.

Ký tiếp hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga

Hiện chưa rõ có bao nhiêu lính Wagner đã và sẽ ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga để tiếp tục phục vụ trong quân đội Nga.

Trao đổi với tờ Business Insider, Tiến sĩ Joana de Deus Pereira - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI-có trụ sở tại Anh) nói rằng thực tế các nhóm bán quân sự được trả lương cao hơn binh lính thuộc biên chế quân đội. Đây có thể là lý do khiến các chiến binh Wagner không dễ quyết định chọn gia nhập quân đội Nga.

“Họ có thể muốn thành lập một tổ chức bán quân sự mới hoặc tham gia những tổ chức bán quân sự đang hoạt động hơn là gia nhập Bộ Quốc phòng” - bà Pereira nhận định.

Theo ông Prigozhin đến Belarus

Trong thỏa thuận với trùm Wagner, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề nghị ông Prigozhin sử dụng một trong những đơn vị đồn trú quân sự bỏ hoang ở Belarus cho lính Wagner. Ông cũng cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Wagner nếu họ đến Belarus.

Hôm 27-6, ông Lukashenko cho biết ông Prigozhin đã đến Belarus, tuy nhiên mới đây ông lại thông báo rằng trùm Wagner đã trở lại Nga, có thể đang ở TP St Petersburg hay thủ đô Moscow.

Về phần lính Wagner, ông Lukashenko cho biết lực lượng Wagner đang ở căn cứ thường trú tại Nga và không rõ liệu họ có đến đất nước của ông hay không. Ông lưu ý rằng việc lính Wagner có đến Belarus hay không và nếu có thì bao nhiêu người sẽ đến,... tùy thuộc vào quyết định của ban lãnh đạo Nga và Wagner.

Trang tin Meduza ngày 28-6 dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ rằng khoảng 1.000 (trong tổng số 25.000) chiến binh Wagner đã quyết định tới Belarus.

Một chiến binh Wager nói với Meduza: “Không phải tất cả lính Wagner đều đi theo ông Prigozhin, một số đơn vị vẫn ở lại. Một số người còn lang thang ở tỉnh Luhansk và Donbass (Ukraine), số khác vẫn ở TP Krasnodar (Nga)”.

Đổi thương hiệu, chuyển sang hoạt động hoàn toàn ở châu Phi

Lính đánh thuê Wagner ở Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: REUTERS

Lính đánh thuê Wagner ở Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: REUTERS

Trong những năm qua, tập đoàn Wagner đã hoạt động ở nhiều quốc gia châu Phi như Libya, Syria, Cộng hòa Trung Phi, Mali,... Nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của Wagner tại châu Phi sau binh biến ở Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính phủ Nga sẽ không dễ dàng giải tán Wagner vì vai trò quan trọng của tập đoàn này trong chính sách đối ngoại của Nga ở các điểm nóng Trung Đông và châu Phi.

Ngày 22-6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Wagner vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở Mali và CH Trung Phi theo hợp đồng mà các nước này đã ký với tập đoàn.

Thực tế là ảnh hưởng hiện tại của Wagner tại châu Phi rất lớn. Đầu tháng này, chính quyền Mali đã yêu cầu phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) rời đi “không chậm trễ”. MINUSMA có mặt ở Mali từ năm 2013 nhưng đã không thành công trong việc ngăn chặn bạo lực vũ trang khiến các nhà lãnh đạo quân đội Mali tìm kiếm Wagner. Theo tờ Financial Times, việc MINUSMA rút quân có thể sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng của Mali vào lính Wagner.

Bên cạnh đó, tập đoàn Wagner cũng có các hoạt động kinh doanh tại châu Phi, gồm hoạt động khai thác vàng và kim cương. Các công ty của Wagner mở các chiến dịch tuyên truyền thông tin về các cường quốc thực dân cũ và đề nghị khai thác tài nguyên để đổi lấy đảm bảo an ninh. Theo ước tính của Financial Times, Wagner đã thu được 250 triệu USD từ năm 2018 đến năm 2021 nhờ hoạt động khai thác.

Theo chuyên trang The Economist, nguồn vàng, tài nguyên mà Wagner thu được giúp Nga rất nhiều trong việc giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây. Wagner cũng là lực lượng giúp Nga gây ảnh hưởng không chính thức tới các chính trị gia và người dân châu Phi.

Tờ Asian Times cho rằng Wagner có thể đổi tên, đổi ban lãnh đạo để tiếp tục hoạt động và Nga vẫn sẽ tận dụng các công ty dạng này để bảo vệ chính sách đối ngoại của mình ở châu Phi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm