Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank, cho biết hưởng ứng theo lời hiệu triệu của Thủ tướng chính phủ và Thống đốc NHNN, gói ưu đãi lãi suất lần này của Vietcombank tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10% trong thời gian một năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Gói ngân sách khoảng 300 tỉ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Với gói giải pháp này từ Vietcombank, các doanh nghiệp không những được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng mà còn được ngân hàng hỗ trợ để triển khai phương án kinh doanh với hiệu quả tối ưu, phát triển hoạt động sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank), ông Lê Đức Thọ cũng cho biết trong thời gian tới NH sẽ thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ mạnh hơn nữa cho DN.
Cụ thể đối với dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn NH có thể khẳng định lãi suất cho vay sẽ không vượt quá 10%/năm. Đối với những dự án được NH đánh giá là tốt thì lãi suất cho vay còn tiếp tục giảm so với mặt bằng hiện nay khoảng 1%/năm.
Cũng theo ông Thọ, lãi suất cho vay với DN và dân cư đã ở mức hợp lý. Do vậy để có thể giảm thêm được lãi suất, phải thực hiện các nhóm giải pháp như kiểm soát chất lượng tín dụng, chọn lọc khách hàng tốt để không phát sinh các khoản nợ xấu, nợ có vấn đề làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, xử lý mạnh, thu hồi các khoản nợ có vấn đề để tái tạo nguồn vốn kinh doanh, tiết kiệm các khoản chi phí để có điều kiện hạ lãi suất. Thậm chí thậm chí NH phải hạ cả chỉ tiêu lợi nhuận để có thể giúp cho DN.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, cam kết từ ngày 29-4 sẽ hạ lãi suất trung và dài hạn xuống 10% và giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn.