Các ông lớn phân phối bán lẻ thiệt hại bao nhiêu do COVID-19?

Sáng 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh của dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) phân phối trong nước. Doanh số bán hàng của các DN phân phối hai tháng đầu năm 2020 đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến đến hết quý I-2020 sẽ còn tiếp tục giảm.

Doanh số bán hàng của các DN phân phối hai tháng đầu năm 2020 đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Kh.V

Cụ thể, doanh thu của Lotte giảm khoảng 50% so với tháng 1-2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của Aeon Việt Nam trong tháng 1-2020 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra.

Hệ thống Saigon Co.op, doanh thu cho thuê mặt bằng giảm 50%, doanh thu bán lẻ trong hai tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỉ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, giảm 2.000 tỉ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV: Doanh thu bán lẻ trong hai tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.

Đối với DN kinh doanh LPG (kinh doanh khí - PV), sản lượng của các DN kinh doanh LPG sụt giảm từ 40% đến 50% do nhu cầu sử dụng giảm đột ngột từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt. Số lượng lao động trong ngành phân phối LPG bị ảnh hưởng lớn do sản lượng kinh doanh giảm.

Ước tính khoảng 30.000 lao động tham gia trực tiếp bán lẻ LPG, 2.500 lao động làm việc trực tiếp tại trạm nạp, trạm cấp và các lao động trực tiếp vào hoạt động dịch vụ như vận tải, bảo dưỡng, bảo trì...

Diễn biến giá LPG thế giới giảm mạnh. Giá giảm từ 577,5 USD tháng 1-2020 xuống còn 455USD, giảm 20%. Trong khi, đặc thù kinh doanh LPG chủ yếu ký kết mua bán, nhập khẩu LPG có hợp đồng dài hạn, chốt giá trước. Vì vậy, các DN LPG hiện đang tồn dư lượng hàng lớn với giá thành cao. Các cơ sở kinh doanh khí như trạm chiết nạp, trạm cấp, cửa hàng bán lẻ LPG ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Đối với mặt hàng xăng dầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, tồn kho của các DN đang ở mức cao. Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm khoảng 30% so với trước. Lượng tồn kho xăng dầu này ngoài việc làm phát sinh chi phí lưu kho còn gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm thời gian vừa qua. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân sụt giảm là do tâm lý người dân lo ngại bị ảnh hưởng lây bệnh, cũng như tuân thủ các khuyến cáo từ cơ quan chức năng nên người dân chủ động giảm các hoạt động đi lại, ăn uống, hạn chế đến những nơi tập trung đông người nên sức mua giảm. 

Ảnh hưởng này sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong ba tháng tới khi nhu cầu tích trữ đã giảm bớt. Khách hàng chủ yếu tập trung mua các mặt hàng thiết yếu, giá trị thấp; trong khi đó các mặt hàng như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay... đang có nhu cầu cao.

Cạnh đó, lượng khách du lịch trong và ngoài nước giảm nhất là khách du lịch Trung Quốc/ Hàn Quốc/ châu Âu... ảnh hưởng lớn đến doanh số bán lẻ và các dịch vụ khác.

Do một bộ phận lao động không đi làm hoặc giảm giờ làm, các dịch vụ khác giảm nên thu nhập giảm dẫn đến chi tiêu giảm. Một số mặt hàng như mì gói, đồ đóng hộp, nước sát khuẩn, khẩu trang tăng đột biến nên các nhà cung cấp bị quá tải dẫn đến lượng hàng cung ứng cho doanh nghiệp phân phối cầm chừng. Một số mặt hàng thành phẩm nhập khẩu từ các nước Á, Âu bị thiếu hụt, không đủ hàng cung cấp. 

Các nhà máy đang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị đứt hàng do thiếu nguyên vật liệu là vấn đề chủ yếu dẫn đến việc không đủ hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng tại một số thời điểm nhất định như ngành hàng may mặc hiện đang thiếu nguồn lao động do quản lý và công nhân nước ngoài về nước chưa quay lại, xưởng may hoạt động với công xuất thấp do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm