Ngày 11-5, trường THCS Lê Qúy Đôn, quận 3, TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Nhận biết và xử lý vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trong môi trường học đường”. Tọa đàm có sự tham dự của hơn hơn 50 chuyên viên tâm lý các trường cùng một số giáo viên bộ môn và phụ huynh.
Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết lý do của buổi tọa đàm là cung cấp hiểu biết pháp luật và kiến thức tâm lý nền tảng về "Lạm dụng tình dục trẻ em" cho mọi người. Đồng thời, đây là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục học sinh kỹ năng tự bảo vệ trước vấn nạn xâm hại trẻ em.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ thông tin tại buổi tạo đàm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Làm sao để trẻ nói ra sự việc?
Theo thống kê chi tiết của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ 2014-2016 số liệu tại Việt Nam cho thấy có hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hơn 80% trẻ bị xâm hại được trình báo là nữ. Trẻ dưới 6 tuổi là 278 em, trẻ từ 6 đến 13 tuổi là 1.333 em, trẻ từ 13 đến 16 tuổi là hơn 2.500 em. Trong đó có khoảng 30% trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần, khoảng 11% nạn nhân là trẻ bỏ học, sống lang thang.
Điều đáng nói là có đến 93% thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người quen, trong đó 47% là họ hàng, người trong gia đình. Riêng năm 2018 đã xảy ra 1.547 vụ với 1.579 nạn nhân.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, giảng viên trường Đại học Hoa Sen, cho biết số lượng các vụ xâm hại ngày càng nhiều, nguyên nhân là do sự hiểu biết cũng như chủ quan của các bậc làm cha làm mẹ. "Nhưng điều khiến tôi băn khoăn làm sao để trẻ bị xâm hại nói ra điều đó mới là quan trọng", ông Ân nhấn mạnh.
Thực tế, khi trẻ bị xâm hại, bản thân trẻ rất đau đớn và bị tổn thương trầm trọng. Thế nhưng khi trẻ đã cố gắng nói ra sự việc trên với bố mẹ thì nhiều trường hợp lại bị mắng xối xả. Đó có thể là phản ứng tự nhiên của một người làm cha, làm mẹ khi nghe tin sét đánh về con mình. Nhưng các bậc phụ huynh không biết chính điều đó sẽ khiến con sợ, bị khủng hoảng, “co mình lại” và không muốn chia sẻ gì nữa.
“Đáng lẽ việc nên làm lúc đó là cha mẹ nên cho con hiểu rằng đó không phải là lỗi của con. Hãy vỗ về, an ủi, xóa tan đi cảm giác tội lỗi trong con và cho con thấy rằng đó chỉ là một tai nạn và nhanh chóng đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ biết cách trao đổi, trò chuyện với trẻ”, ông Ân chia sẻ.
Cũng theo ông Ân, nhiều học trò khi có chuyện đều tìm đến phòng tham vấn tâm lý của trường như một chỗ dựa bởi các em nghĩ, ở đó các em sẽ được lắng nghe và giữ bí mật. “Thế nhưng thực tế đã có sự việc một học trò bị lạm dụng tình dục đến trò chuyện với chuyên viên tâm lý tại trường. Nhưng chính chuyên viên tâm lý đó lại đi nói câu chuyện này với những thầy cô khác. Các thầy cô không có trách nhiệm bảo mật thông tin vì họ không được đào tạo và thế là mọi chuyện rùng beng, cả trường đều biết về trường hợp của em đó. Và cuối cùng, hậu quả mà một đứa bé phải chịu sẽ rất nặng nề. Vậy giữa việc im lặng vì bị lạm dụng và việc nói ra câu chuyện của mình rồi bị mọi người biết, chế giễu, trẻ sẽ chọn cách nào. Vì thế thiết nghĩ vấn đề bảo mật thông tin tại phòng tham vấn tâm lý rất quan trọng, nó là nguyên tắc sống còn”, ông Ân nói.
Cô Huỳnh Mai, chuyên viên tâm lý trường THCS Lê Qúy Đôn chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thế nhưng ông Ân cũng cho biết, hiện nay phòng tham vấn tâm lý không phải là nơi thụ lý mà chỉ là người hỗ trợ tâm lý, còn vấn đề giải quyết là của nhà trường. Nếu thủ phạm là người trong gia đình, phòng tham vấn tâm lý không thể mời phụ huynh tới mà phải là nhà trường mời. Như vậy trong trường hợp này thông tin cần phải cung cấp cho những người có trách nhiệm trong trường.
"Thiết nghĩ cần phải xây dựng quy trình chung trong việc xử lý vấn đề này để các ban ngành cùng biết thực hiện, tránh gây tổn thương trẻ. Khi trẻ bị xâm hại thì vấn đề cần đặt lên hàng đầu chính là lợi ích của trẻ", ông Ân đặt vấn đề.
Im lặng là tội ác
Tại buổi tọa đàm, có một người đã đặt ra câu hỏi trong trường hợp trẻ bị chính người trong gia đình lạm dụng và bản thân họ không muốn làm lớn chuyện vì sợ sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng, hạnh phúc gia đình. Vậy trong trường hợp đó cần làm gì để đảm bảo tính công bằng pháp lý, quyền lợi của trẻ em và kết cấu gia đình.
Trả lời câu hỏi trên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khẳng định: “Im lặng là tội ác, là cơ hội để kẻ hiếp dâm tiếp tục phạm tội”.
Luật sư Ngọc Nữ kể: “Tại một diễn đàn nói về nạn xâm hại tình dục trẻ em, khi tôi nói im lặng là tội ác, có một nghệ sĩ đã khóc. Sau khi kết thúc diễn đàn, người nghệ sĩ đó đã lên ôm tôi và khóc. Chị kể lúc 8 tuổi chị đã bị chồng của dì xâm hại. Chị có nói với mẹ nhưng mẹ chị nói rằng con cố gắng chịu đựng hãy xem như không có chuyện gì xảy ra, mẹ sẽ dọn đi chỗ khác. Thế nhưng, trong khi đợi dọn nhà đi, đứa em ruột của chị lại bị chính người đó xâm hại. Lần này người nhà đã mạnh dạn tố cáo và kẻ đó đã bị xử lý. Thế nhưng chị vẫn hối hận vì chính sự im lặng của mình đã ảnh hưởng tới cả cuộc đời của đứa em”.
Bà Ngọc Nữ cho biết thêm, thời gian qua Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã gặp 4 trường hợp như câu chuyện kể trên, đó là bé chị bị xâm hại không nói ra và sau đó bé em lại tiếp tục bị. “Chúng ta nên nhớ rằng, nếu người nhà biết không tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình thì chỉ cần người thứ ba biết chuyện vẫn có thể khởi tố dù người nhà không đồng ý. Trẻ em có quyền được sống, quyền được bảo vệ, và chúng tôi sẽ làm đến cùng để bảo vệ quyền lợi các em”, bà Ngọc Nữ nhấn mạnh.