Tôi (23 tuổi) và người yêu (20 tuổi) là anh em cô cậu của nhau. Cụ thể, cha tôi là anh ruột của mẹ bạn gái tôi. Nay chúng tôi muốn đăng ký kết hôn nhưng UBND phường lại từ chối và nói chúng tôi có họ trong phạm vi ba đời nên không được kết hôn với nhau. Xin hỏi, người có họ trong phạm vi ba đời được pháp luật xác định như thế nào? Trong trường hợp của tôi và người yêu thì có được kết hôn không? Nếu tôi và người yêu không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau thì có bị xử phạt không?
Bạn đọc Trần Văn Tài (vantai…@yahoo.com)
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Vậy, trong trường hợp anh Tài và người yêu là anh em con cô, con cậu của nhau, đây được xem là người có họ trong phạm vi ba đời.
Cụ thể, anh Tài và người yêu có chung một gốc sinh ra là ông nội (đời thứ nhất); cha của anh Tài và mẹ người yêu của anh là anh, em ruột (đời thứ hai); anh Tài và người yêu là anh em con cô, con cậu (đời thứ ba).
Do đó, theo quy định pháp luật, trường hợp của anh Tài rơi vào điều cấm kết hôn. Anh Tài và người yêu không được phép đăng ký kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng.
Theo điểm d khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015, phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Mặt khác, trường hợp những người có họ trong phạm vi ba đời đã được đăng ký kết hôn thì việc kết hôn này được xem là kết hôn trái pháp luật. Việc kết hôn sẽ bị hủy bỏ, hai bên phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.