Vài tuần sau đó tòa án sẽ đưa ra những phán quyết cuối cùng. Nếu như bị kết luận có tội, bà Yingluck sẽ chịu chung số phận với người anh của mình: Bị cấm tranh cử chính trị. Bà cũng có nguy cơ lãnh 10 năm tù vì các sai phạm trong chương trình trợ giá gạo. Tuy nhiên, dù cho kết luận của tòa án có là gì đi nữa thì sức ảnh hưởng của gia đình Shinawatra và đảng Puea Thái của anh em bà không hề suy suyển mà thậm chí còn ngày một lớn.
Chương trình trợ giá gạo được ông Thaksin đưa ra đầu tiên, trước khi bị đảo chính vào năm 2006. Bà Yingluck sau đó còn mạnh tay hơn, đề nghị chính sách mua lại gạo cho nông dân với 50% cao hơn giá thị trường. Bà được sự ủng hộ to lớn từ các vùng nông thôn và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Thế nhưng chính sách của bà Yingluck đã bóp méo giá gạo thế giới, đồng thời tăng thâm hụt chi tiêu công Thái Lan, mở ra các cuộc biểu tình buộc bà bị cách chức năm 2014.
Trước thềm phiên điều trần, bà Yingluck vẫn chỉ trích tính trung thực của vụ kiện: “Trợ giá gạo là một sách lược quốc gia đã được quốc hội thông qua. Nhưng những cáo buộc hình sự hóa vẫn chỉ nhắm vào một mình tôi”. Đảng Puea Thái cho rằng vụ kiện là nhằm hủy hoại uy tín chính trị của bà Yingluck - gương mặt đại diện chính trị của đảng này. Dẫu vậy, cho dù nữ cựu thủ tướng và anh mình không thể đứng vào vị trí lãnh đạo Puea Thái, mạng lưới chính trị mà anh em bà gầy dựng chắc chắn vẫn sẽ hoạt động trơn tru.
Sự ủng hộ của nông dân ở vùng phía Đông Bắc Thái Lan dành cho gia đình Shinawatra vẫn không hề suy giảm. Hãng tin Reuterscho biết nhóm cử tri này vẫn sẽ bỏ phiếu cho đảng Puea Thái trong kỳ tổng tuyển cử sắp đến. Họ vẫn biết ơn chính sách của bà Yingluck đã giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định và cuộc sống no đủ. Ngay cả đảng Dân chủ đối lập cũng thừa nhận Puea Thái “vô đối” ở vùng này. “Cơ sở chính trị của đảng Puea Thái đã phát triển những mạng lưới vững chắc ở Đông Bắc nên dù đảng này có thay đổi cá nhân lãnh đạo, họ vẫn có sự ủng hộ lớn” - Ong-art Klampaiboon, “phó tướng” đảng Dân chủ, trả lời hãngReuters.