Các vị khi ngồi vào ghế lãnh đạo VFF không cần phải hô hào “tôi yêu bóng đá” hay “bóng đá ngấm vào từng thớ thịt của tôi”… bởi người hâm mộ và giới chuyên môn cần nhất là việc làm và tính hiệu quả mà các vị mang lại. Chẳng hạn, tại sao cũng là ông bầu mà bầu này thì người hâm mộ xác định là có tâm và hết lòng hết mình, còn bầu kia thì người hâm mộ khẳng định là vào để xà xẻo.
Cứ làm kinh tế bóng đá đường hoàng và có chiều sâu đi. Khi nhảy vào làm cho bóng đá Việt Nam cứ nghĩ đến lợi nhuận mang về cho bóng đá Việt Nam thì sẽ được ủng hộ và ghi nhận.
Thai-League bắt nguồn từ cái tâm của một người từ ghế quan để đi tìm lối ra cho bóng đá Thái. Ảnh: BANGKOK POST
Ở Thái Lan, ông Ong Art Kosingkha vốn là dân ngoại đạo bóng đá nhưng ông nhảy vào làm cuộc cách mạng bóng đá Thái Lan và được xem là người thay đổi lớn đến sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan. Ông này từng ngồi ghế tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan, sau đó cảm thấy mình có thể giúp bóng đá Thái Lan ở góc độ khác bằng “chất xám” của một nhà quản trị kinh doanh. Và ông bỏ ghế tổng thư ký rồi sang Anh học ba năm về ngồi ghế công ty tổ chức Thai-League (Thai-League Com Utd, giống với VPF của Việt Nam). Từ đó ông tạo nên những thành công đột biến, tạo nền móng vững chắc cho Thai-League nói riêng và bóng đá Thái Lan nói chung phát triển mạnh mẽ. Và mô hình Thai-League cũng được Malaysia sau này học hỏi ứng dụng từ hạt nhân Ong Art Kosingkha làm cho Thai-League.
Bóng đá Việt Nam cần có những đột phá kiểu đấy, bắt đầu từ cái tâm của những người âm thầm làm vì bóng đá hơn là đấu nhau giành ghế, rồi khi được ghế lại làm những cái riêng hơn là vì cái chung.