Cam kết tiêu thụ hàng ngàn tấn bưởi, cam, gà... cho Bắc Giang

Ngày 11-11, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang năm 2021.

Bên cạnh tổ chức trực tiếp, hội nghị còn trực tuyến tại điểm cầu chính UBND tỉnh Bắc Giang, 100 điểm cầu tại các sàn thương mại điện tử, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và một điểm cầu tại Trung Quốc.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tại hội nghị này tỉnh Bắc Giang giới thiệu sản phẩm, nông sản chủ lực, đặc trưng nổi tiếng gắn với du lịch trải nghiệm của tỉnh và quy mô, sản lượng các nông sản đặc trưng sẽ cung ứng ra thị trường những tháng cuối năm 2021 và tết 2022.  

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang giới thiệu sản lượng quy mô các nông sản đặc trưng của tỉnh. Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể gồm 85 ngàn tấn bưởi, cam các loại được sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc. Khoảng 17.000 tấn thịt gà tập trung huyện Yên Thế được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Lào, Trung Quốc và Singapore. 60.000 tấn thịt heo tập trung nhiều tại huyện Tân Yên và các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Sơn Động...

Bên cạnh đó, tỉnh có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn với sản lượng trên 230 ngàn tấn. Sản lượng này đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong nước và còn xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Đông Âu, Nga, Nhật Bản. 

Theo ông Tuấn, hiện tỉnh Bắc Giang đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ.  

“Sau hội nghị, Bắc Giang kỳ vọng sẽ có nhiều hơn hợp đồng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh. Chúng tôi mong muốn sẽ được đón nhiều hơn du khách đến trải nghiệm không gian hữu tình tại các vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn và các địa phương trong tỉnh” - ông Tuấn nói.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tại hội nghị đã có 52 tập đoàn phân phối, doanh nghiệp, chợ đầu mối và bảy sàn thương mại điện tử ký cam kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con nông dân.

Nông sản đặc trưng của Bắc Giang được giới thiệu đến người tiêu dùng tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh chụp màn hình

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc thu mua toàn quốc Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho  biết tháng 6 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tiêu thụ quả vải và các sản phẩm nông sản của tỉnh này trong dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Kết thúc chương trình MM Mega Maret đã tiêu thụ được hàng chục tấn dưa hấu, hơn 10.000 quả dứa và hàng trăm tấn vải thiều.

“Hiện nay Bắc Giang sắp vào mùa vụ cam, bưởi và đặc biệt là Tết Nguyên đán này, chúng tôi đã lên kế hoạch ký hợp đồng với các hợp tác xã, nhà cung cấp rau củ quả tại Bắc Giang với sản lượng tiêu thụ dự kiến lên tới hàng trăm tấn. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi giới thiệu nông sản đặc trưng Bắc Giang đến khách hàng toàn quốc và thúc đẩy việc xuất khẩu đến các nước khác trong khu vực” - ông Hùng nói.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc (Công ty WinCommerce), cho biết nhiều năm trở lại đây Bắc Giang là địa phương cung cấp nhiều nông sản nổi tiếng, đặc sản chất lượng cao như vải thiều Lục Ngạn, cam, bưởi, mỳ gạo, gà đồi Yên Thế.  

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội, Wincomerce cam kết đồng hành với bà con nông dân, hợp tác xã, chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh việc thu mua nông sản của tỉnh Bắc Giang.

“Chúng tôi có kế hoạch làm việc, cam kết tiêu thụ 700 tấn cam, 200 tấn bưởi, 100 tấn thịt heo, 100 tấn thịt gà và 100 tấn nông sản thực phẩm khác. Đồng thời tiếp tục kết nối, tăng cường tiêu thụ các loại nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh tại hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+” - ông Hà nói.

Chợ đầu mối Thủ Đức cũng kí cam kết tiêu thụ 2.000 tấn cam, 1000 tấn bưởi, 50 tấn na cho tỉnh Bắc Giang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm