Cấm "kim cương máu"

Cấm "kim cương máu" ảnh 1
Lý do mà tập đoàn này đưa ra là tổ chức giám sát độc lập
Kimberley Process không đảm bảo được rằng đó không
 phải là những viên "kim cương máu".

"Kim cương máu" không chỉ là tên một bộ phim của Hollywood với diễn xuất của tài tử Leonardo DiCaprio, được đề cử 5 giải Oscar, mà còn là thuật ngữ chỉ những viên kim cương được khai thác trong những điều kiện không đạt chuẩn thế giới, tại những vùng chiến sự, trong những khu mỏ có vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và điều kiện lao động.

Tuyên bố của tập đoàn Rapaport đưa ra hôm 16.8 được dư luận đánh giá là rất mạnh mẽ và cương quyết: "Chúng tôi sẽ không tha thứ cho việc sử dụng các mạng lưới mua bán của chúng tôi để phân phối những viên kim cương liên quan đến vi phạm quyền con người. RapNet - mạng lưới buôn bán kim cương của Rapaport - sẽ không cho phép mua bán bất cứ viên kim cương nào có xuất xứ từ Marange (Zimbabwe). Các thành viên bị phát hiện cố tình chào kim cương Marange sẽ bị sa thải và công bố danh tính".

Marange là khu vực có nhiều mỏ khai thác kim cương ở Chiadzwa, tỉnh Mutare Tây của Zimbabwe. Chính tại đây người ta đã tìm thấy viên kim cương lớn nhất thế giới. Từ đầu thập niên 1980 đến 2006, hãng De Beers (có trụ sở tại Nam Phi) khai thác Marange thông qua công ty con là Kimberlitic Searches Ltd. Sau đó quyền khai thác được chuyển cho African Consolidated Resources - ACR (Anh), nhưng đến tháng 12.2006, Chính phủ Zimbabwe thu lại giấy phép, mặc dù ACR thắng kiện trong phiên toà tranh chấp quyền khai thác.

Cuối năm 2008, quân đội Zimbabwe chiếm quyền kiểm soát mỏ, đuổi hàng chục nghìn những người khai thác nhỏ ra khỏi đây. Khoảng 200 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Tình hình căng thẳng hơn khi sang đầu năm 2009, quân chính phủ đã đánh đập dân làng, cưỡng hiếp phụ nữ và buộc họ phải khai thác kim cương, khiến dư luận rất công phẫn. Đó là chưa kể những cáo buộc về nạn đánh đập người lao động và sử dụng lao động trẻ em.

Tháng 4 năm nay, Toà án Tối cao Zimbabwe cho phép chính phủ nước này bán kim cương Marange và bác bỏ đề nghị khẩn cấp của ACR về cấm bán kim cương từ các mỏ đang tranh chấp. Tổ chức sức ép quốc tế Global Witness phản đối Zimbabwe bán kim cương cho đến khi chính phủ nước này đồng ý với Kimberley Process kế hoạch cải tổ hoạt động khai thác tại Marange. Tháng 6.2010, Kimberley Process công bố kết quả giám sát quy trình và điều kiện làm việc tại Marange, khẳng định rằng Zimbabwe thỏa mãn các yêu cầu tối thiểu và có thể tiếp tục bán kim cương ra thế giới.

Tuy nhiên, Rapaport lại nghi ngờ tính trung thực trong bản báo cáo của Kimberley Process: "Không có gì bảo đảm rằng các viên kim cương được Kimberley Process chứng thực không liên quan với những vi phạm về quyền con người". Đây là bước đi vô tiền khoáng hậu của giới buôn bán kim cương, nhằm làm tăng nhận thức của người tiêu dùng về những tấn bi kịch đằng sau sự hào nhoáng của kim cương. "Lần đầu tiên chúng tôi được biết đến một tập đoàn mạnh như Rapaport có quan điểm mạnh mẽ như vậy", Tiseke Kasambala - chuyên gia về Zimbabwe của tổ chức Theo dõi Nhân quyền - khẳng định.

Lệnh cấm của Rapaport chỉ có hiệu lực trên thị trường Mỹ, nên mặc dù phải chịu thiệt thòi vì không thâm nhập được vào thị trường kim cương lớn nhất thế giới, nhưng giới chức Zimbabwe có vẻ không tỏ ra lo lắng. Ngày 17.8, ông Obert Mpofu, Bộ trưởng Bộ mỏ của Zimbabwe đã phê phán quyết định của Rapaport là "điên rồ" và cho hay nước ông sẽ bán kim cương sang Châu Á - một thị trường mới nổi.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Zimbabwe đã thực thi chính sách "Hướng về phương Đông" và sẽ bán kim cương sang các nước như Trung Quốc, Malaysia, Nga, Ấn Độ và một số nước Châu Á khác. Theo ông Mpofu, việc làm "hoen ố thanh danh của kim cương Zimbabwe" là một bộ phận trong cuộc chiến tranh kinh tế do phương Tây khởi xướng để trả đũa việc chính quyền Zimbabwe tịch thu đất của người Zimbabwe da trắng trong chương trình cải cách ruộng đất gây tranh cãi mấy năm trước.

Theo Long Giang (LĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm