Cần chế tài mạnh với vi phạm việc sử dụng vật liệu xây không nung trong xây dựng

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng chế tài và có các giải pháp mềm khác để xử lý hành vi không sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng theo quy định hiện hành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLOđã phản ánh, xu thế sử dụng vật liệu xây dựng hiện nay là theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa các chất độc hại phát thải ra môi trường bằng cách sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình hình sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) nhất là ở các công trình cao trên 9 tầng vẫn đang ở mức thấp do nhiều chủ đầu tư không tuân thủ các quy định về tỉ lệ phần trăm sử dụng loại vật liệu này.

Quy định về chế tài đã rõ ràng

Hiện nay quy định về tỉ lệ sử dụng VLXKN tại một công trình được quy định tại Thông tư 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: (1)TP Hà Nội và TP.HCM: sử dụng 100%; (2) Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; (3) Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Còn đối với các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.

Hai công trình thương mại tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM có dấu hiệu vi phạm quy định về tỷ lệ sử dụng VLXKN. Ảnh: PV
Hai công trình thương mại tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM có dấu hiệu vi phạm quy định về tỷ lệ sử dụng VLXKN. Ảnh: PV

Trong trường hợp vi phạm quy định về tỉ lệ sử dụng theo quy định trên thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 16/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Theo đó, mỗi hành vi vi phạm sẽ có mức phạt khác nhau. Cụ thể đối với hành vi phê duyệt thiết kế, dự toán không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu hoặc vật liệu xây không nung sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc điều chỉnh thiết kế, dự toán theo tỉ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng.

Còn đối với hành vi thi công công trình mà không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong hồ sơ thiết kế đối với công trình bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung hoặc không đảm bảo tỉ lệ vật liệu xây không nung theo quy định hoặc không tuân thủ các quy định về sử dụng vật liệu khác cho công trình cũng sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Trường hợp vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công trình nếu để nhà thầu thi công không sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.

Cần thêm các giải pháp mềm

Hiện nay, hầu hết các dự án cao tầng đều được các CĐT quảng cáo rầm rộ trên mạng là công trình xanh, sử dụng các vật liệu an toàn và thiện với môi trường. Thế nhưng qua khảo sát thực tế, bên cạnh các dự án của các chủ đầu tư uy tín như Masteri, Sơn Kim Land… còn rất nhiều công trình dự án có dấu hiệu vi phạm quy định về tỉ lệ sử dụng VLXKN, bảo vệ môi trường. Điều đáng nói dấu hiệu vi phạm có cả ở một số dự án lớn của những thương hiệu bất động sản lớn.

Vì vậy các chuyên gia đề xuất cần thêm những giải pháp mềm mang lại sự công bằng, minh bạch cho những chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện quy định hiện hành. Cạnh đó cần tăng gấp đôi chế với những đơn vị vi phạm và bổ sung thêm các biện pháp mềm để cải thiện được tình hình tuân thủ quy định sử dụng vật liệu xây không nung cho những công trình từ chín tầng trở lên.

Xe giao gạch không nung tại 1 công trình xây dựng nhà cao tầng. Ảnh: PV

Xe giao gạch không nung tại 1 công trình xây dựng nhà cao tầng. Ảnh: PV

Các giải pháp mềm cần làm như tăng cường thanh kiểm tra thực tế tại công trường tối thiểu 1 tháng 1 lần trong giai đoạn xây để phòng ngừa tình trạng thực tế không đúng với hồ sơ vật liệu đầu vào do công trình cung cấp.

Đối với các công trình có dấu hiệu vi phạm sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất. Công khai thông tin các công trình vi phạm trên website của cơ quan thanh tra. Tạm đình chỉ thi công ít nhất 1 tuần và chỉ cho phép thi công lại khi các bên chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế có kế hoạch khắc phục rõ ràng và thực thi đầy đủ nghĩa vụ nộp phạt hành chính theo quy định.

Ngoài ra cơ quan nhà nước cần kiên quyết, chỉ phê duyệt hồ sơ hoàn công cho các công trình đã bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về tỉ lệ sử dụng gạch xây không nung khi có bản cam kết không tái phạm của các bên liên quan: Chủ Đầu Tư, Nhà Thầu, Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát.

Mặt khác các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm vật liệu xây không nung ngay tại nơi sản xuất trước khi được ra thị trường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, dây chuyền thiết bị lạc hậu. Chủ đầu tư nên cùng với nhà thầu, tư vấn giám sát đi tham quan, khảo sát đánh giá trực tiếp để lựa chọn các nhà sản xuất vật liệu xây không nung uy tín đảm bảo chất lượng cho công trình chứ không nên giao hoàn toàn việc này cho nhà thầu.

Cần ưu đãi cho các đơn vị sản xuất VLXDKN

Để VLXKN trở nên phổ biến hơn thì các bộ ngành phối hợp với nhau vừa tuyên truyền, vừa kiểm tra để người dân hiểu rõ ưu điểm sản phẩm VLXKN trong xây dựng. Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và làm thêm các đề tài cấp quốc gia về VLXKN và công bố các ứng dụng này cho các công ty sản xuất VLXKN đưa vào trong sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần có chính sách ưu đãi cho các công ty sản xuất VLXKN phát triển mở rộng quy mô sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.