Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM (PC08) vừa đề xuất bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 để tổ chức giao thông cho các xe đi theo đèn tín hiệu giao thông qua khu vực giao lộ. Theo các chuyên gia, đề xuất này không khả thi, việc xóa vòng xoay, lắp đèn đỏ sẽ đẩy kẹt xe chỗ này qua kẹt xe chỗ khác.
Nhiều xe nhưng không ùn ứ
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, chiều 9-3, lượng xe đi lại trên đường Điện Biên Phủ, khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm không có tình trạng ùn ứ.
Tại đây, các xe di chuyển chủ yếu theo hướng từ đường Điện Biên Phủ về hướng trung tâm TP, các đường Đinh Tiên Hoàng, đường Hoàng Sa, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thông qua vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm, các xe lưu thông ổn định. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm có tình trạng giao thông hỗn loạn tại vòng xoay này.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho biết hiện sở đang theo dõi tình hình giao thông khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ và các khu vực lân cận (đường Hoàng Sa - Trường Sa, khu vực Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu)…
“Vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều có xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ tại khu vực vòng xoay. Khi mật độ xe tăng cao, xuất hiện tình trạng xe hai bánh cố tình lưu thông không đúng quy định (không lưu thông theo dạng vòng xuyến) gây rối loạn dòng lưu thông. Ngoài giờ cao điểm, các xe lưu thông bình thường” - ông Đường nói.
Để kéo giảm tình trạng này, Sở GTVT sẽ kéo dài dải phân cách tim đường Điện Biên Phủ vào hướng vòng xoay (vẫn đảm bảo bề rộng cho các xe lưu thông qua vòng xoay).
Đồng thời, sở sẽ tổ chức một chiều các xe trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai) để góp phần giảm mật độ xe lưu thông vào vòng xoay.
Về việc xóa vòng xoay, ông Đường nói nếu xóa bỏ vòng xoay, thiết lập nút giao thông và bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ hình thành các dòng xe dừng chờ đèn tín hiệu giao thông trên cầu đường Điện Biên Phủ, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Hoàng Sa.
Đặc biệt, trên đường Điện Biên Phủ có thể kéo dài đến giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng do lượng xe thoát không hết trong một chu kỳ vào giờ cao điểm.
“Do đó, Sở GTVT tính toán và chạy mô phỏng giao thông để xem xét mức độ ảnh hưởng khi bỏ vòng xoay, khi có đầy đủ các số liệu rồi mới quyết định” - ông Đường thông tin.
Các xe lưu thông qua vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm vào chiều 9-3. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Giữ vòng xoay, chỉnh trang toàn khu vực cửa ngõ
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cũng đồng tình với nhận định của ông Ngô Hải Đường. Theo KTS Nam Sơn, khu vực Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ là cửa ngõ vào trung tâm TP, có lượng xe đi lại rất lớn.
Hiện nay, vòng xoay này đang phát huy hiệu quả nhất định về mặt giảm thiểu ùn tắc giao thông, giãn dòng xe trong khu vực. Việc phá bỏ vòng xoay chưa chắc giải quyết ùn ứ, ngược lại sẽ gây tác động giao thông đến nhiều tuyến đường lân cận.
“Khi còn vòng xoay, người dân lưu thông mà không phải đứng lại chờ đèn đỏ nên khu vực cầu Điện Biên Phủ sẽ không bị kẹt xe. Nếu bỏ vòng xoay, lắp đèn giao thông thì lượng người dừng đèn đỏ sẽ kéo dài trên cầu, gây kẹt xe” - KTS Nam Sơn phân tích.
Ông Nam Sơn cho rằng việc lắp đèn giao thông sẽ đẩy kẹt xe từ chỗ này qua chỗ khác. Vì vậy, ông đề xuất thay vì xóa vòng xoay thì điều cần làm là tổ chức lại giao thông cho cả khu vực này sao cho hợp lý và phát huy hiệu quả.
“Trước mắt, Sở GTVT TP cần tính toán lắp đặt thêm đèn tín hiệu khu vực đường Điện Biên Phủ và một số tuyến đường đó để kéo giãn dòng xe. Đây là biện pháp khả thi nhất hiện nay, vừa đỡ tốn kém chi phí vừa giữ lại được vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại không gây ùn tắc cho những tuyến đường lân cận” - KTS Nam Sơn nói.
Theo ông Nam Sơn, về lâu dài TP cần ứng dụng công nghệ điều tiết đèn tín hiệu giao thông từ xa ở các tuyến đường lân cận để giảm thiểu ùn ứ cho cả một khu vực. Từ đó, giúp người dân đi lại thuận tiện, giảm ùn ứ và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nam Sơn nhấn mạnh khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đây là cửa ngõ để vào trung tâm TP. Sau này có thêm tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng đây vẫn là khu vực cửa ngõ quan trọng, là bộ mặt của TP. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này vẫn chưa được quy hoạch xứng tầm.
Vì vậy, ông Nam Sơn cho rằng ngoài việc giữ lại vòng xoay, tổ chức giao thông thì TP cần quy hoạch và chỉnh trang lại khu vực này một cách bài bản. “Hai ngõ vào trung tâm TP từ phía đông thì phía Nguyễn Hữu Cảnh đã rất đẹp rồi, nhân dịp này TP nên tính toán cân nhắc việc chỉnh trang nguyên khu vực này, không chỉ vòng xoay mà cả công trình xung quanh nữa, để xứng tầm với vị trí cửa ngõ của một siêu đô thị” - ông Nam Sơn đề nghị.
Ở góc độ văn hóa, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: Vòng xoay này có từ lâu năm nên nó đã ghi vào ký ức của người dân.Theo đó, khi phá bỏ một “ký ức” của người dân, TP cần phải tính toán thật kỹ.
“Tôi nghĩ TP có thể phân luồng giao thông lại cho cả khu vực như có thêm đèn tín hiệu giao thông. Đây là giải pháp để vừa giữ cảnh quan vừa lưu giữ những ký ức văn hóa của TP” - PGS-TS Ngọc Thơ chia sẻ.
Ông Thơ đánh giá TP đã từng phá bỏ hai bùng binh Cây Liễu, Quách Thị Trang (quận 1) để làm dự án giao thông. Sau đó có nhiều người dân tiếc nuối khi một phần ký ức bị quên lãng.•
Đang khôi phục lại hai vòng xoay đã từng phá bỏ
Vòng xoay Bồn Kèn (hay bùng binh Cây Liễu), bùng binh Quách Thị Trang và tượng đài Trần Nguyên Hãn đã được UBND TP.HCM yêu cầu nghiên cứu tái lập như cũ.
Năm 2014, bùng binh Cây Liễu (có tuổi thọ gần 100 năm) bị phá dỡ để xây dựng nhà ga ngầm tuyến metro số 1. Tượng đài Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang và vòng xoay trước chợ Bến Thành được di dời để phục vụ thi công. Đến nay mặt bằng đường Lê Lợi đang được hoàn thiện từng giai đoạn nên TP.HCM cũng tiến hành nghiên cứu tái lập bùng binh này.