Cẩn thận với móc chấu hàm răng giả

Trong những trường hợp nuốt nhầm răng có đến 80% là hàm tháo lắp có đế không móc, còn lại là hàm răng cố định có móc kim loại. Hàm cố định có móc thường chắc chắn và khó bị tuột hơn nhưng nếu sử dụng lâu ngày không kiểm tra tu sửa, chấu lỏng cũng tuột như thường. Hơn 50% bệnh nhân nhập viện sử dụng hàm răng giả đã được 2-3 năm, con số này rất ít với những hàm sử dụng dưới một năm.

Sau khi nuốt vào, tùy theo vị trí răng “tá túc” mà mức độ nguy hiểm nhiều hay ít. Thông thường, răng sẽ kẹt lại dưới họng và thực quản cổ, bác sĩ chỉ cần nội soi là đã có thể lấy ra một cách dễ dàng. Nếu răng rớt xuống thực quản ngực và thực quản bụng thì phải nhờ đến gây tê, gây mê để dãn cơ. Nguy cơ xảy ra biến chứng trong trường hợp này cao hơn rất nhiều. Nếu bác sĩ không khéo léo, khi đưa dị vật ra có thể móc răng vào động mạch chủ làm thủng động mạch, vỡ mủ vô trung thất dẫn đến chết tại chỗ.

Tuy móc sắt của hàm răng giả không tiết ra hóa chất gây thủng nội tạng nhưng răng để lâu ngày không lấy ra sẽ gây viêm nhiễm, làm rách niêm mạc thực quản, vỡ mạch máu. Vì vậy, ngay khi có triệu chứng nuốt đau, không ăn uống được sau hóc, nuốt đau kèm tức ngực, cổ sưng, thanh quản lọc cọc thì bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa để lấy dị vật ra càng sớm càng tốt. Bệnh nhân tuyệt đối không nên làm theo các phương pháp dân gian, tránh trường hợp răng không rớt ra mà còn rớt sâu hơn vào bụng.

Cẩn thận với móc chấu hàm răng giả ảnh 1

BS Nguyễn Thành Lợi và những “vị khách không mời” cũng tự động chui xuống thực quản. Ảnh: YT

Trung bình một tháng bệnh viện tiếp nhận 2-3 ca nuốt răng (chiếm 4% trong tổng số ca dị vật đường ăn tại bệnh viện). Trong những đợt lễ lạt, tết nhất, ăn uống rượu bia nhiều, nguy cơ rớt răng giả càng cao. Bởi vậy, ai có răng giả thì cần cẩn thận trong việc ăn uống, không nên vừa ăn vừa nói, vừa đùa giỡn mà… sinh nguy. Tốt nhất là nên đi kiểm tra răng định kỳ xem có lỏng lẻo, hỏng hóc chỗ nào mà chỉnh sửa kịp thời.

Nuốt thức ăn, nuốt luôn răng vào bụng

Cả nhà đang ăn cơm, nói chuyện vui vẻ thì đột nhiên cụ bà KT (76 tuổi, quận Bình Thạnh) phát hiện hàm răng giả của mình tự dưng… không cánh mà bay mất. Ai nấy nhìn nhau ngỡ ngàng rồi xúm xít đi tìm kiếm khắp trên bàn, dưới ghế nhưng chẳng thấy đâu. Thì ra trong lúc mải mê nói chuyện, nguyên hàm răng giả của bà đã “lẻn” theo nước lẩu chui tọt vào trong bụng hồi nào không biết.

Chuyện thật như đùa ấy còn xảy ra ngay cả khi người ta không ăn, không uống, cũng không nói chuyện. Mới đây, có cụ ông nọ sau một đêm ngủ dậy giật mình hoảng hốt không thấy hàm răng giả mình đâu. Đến khi đi khám mới biết nó đang “du lịch” ở thực quản ngực, cách răng trên tới 22 cm.

YÊN THẢO ghi

BS NGUYỄN THÀNH LỢI (Trưởng khoa Tai - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm