Cần thanh, kiểm tra nghịch lý ‘giá vé máy bay tăng và khoản lỗ cũng tăng lên’

(PLO)- Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần vào cuộc giải đáp nghịch lý giá vé máy bay cao vượt sức mua của người dân nhưng khoản lỗ các hãng cũng tăng theo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, hai năm qua thị trường hàng không trong nước đã phục hồi. Tuy nhiên thời gian qua, hàng không đối diện với một nghịch lý “giá vé cao và khoản lỗ của các hãng cũng tăng lên”, thậm chí hãng Pacific Airlines phải bán toàn bộ máy bay để trả nợ. Điều này khiến không ít người đặt nghi vấn về hoạt động của lĩnh vực này.

Giá vé đang vượt sức mua của người dân

Theo ghi nhận của phóng viên, giá vé máy bay từ đầu năm đến nay tăng hơn cùng kỳ. Đặc biệt là từ khi Bộ GTVT nới giá trần vé máy bay, giá vé lên từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng (tùy từng chặng) từ ngày 1-3.
"Tôi cảm nhận rất rõ việc tăng vé máy bay của các hãng vì thường xuyên di chuyển vào TP.HCM bằng đường hàng không. Mức tăng của các hãng so với năm ngoái tầm 15%” - anh Trương Hà Anh, ngụ ở quận Nam Từ Liêm nhận định.

Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây, chị Trần Thị My, ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định giá còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20-30%.

“Kỳ nghỉ lễ năm ngoái tôi mua một vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ hết hơn 4 triệu đồng, nhưng năm nay rẻ nhất cũng hơn 6,5 triệu đồng đến gần 12 triệu đồng tùy hãng. Các chặng Hà Nội - Huế , Hà Nội - Đà Nẵng giá một vé khứ hồi cũng dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; vé Hà Nội - Côn Đảo còn lên tới hơn 7,2 triệu đồng một vé khứ hồi” - chị My nói.

Cũng vì vé máy bay cao, chị My chọn đi Hạ Long (Quảng Ninh) bằng xe riêng để vừa có kỳ nghỉ lễ vui vẻ cho gia đình, vừa tiết giảm được chi phí. “Trong thời buổi khó khăn này, giá vé máy bay thực sự đã vượt mức chi tiêu của chúng tôi”- chị My cho hay.

Thị trường hàng không đã phục hồi nhưng các hãng vẫn kêu lỗ dù giá vé máy bay đang vượt sức mua của người dân. Ảnh: V.LONG
Thị trường hàng không đã phục hồi nhưng các hãng vẫn kêu lỗ dù giá vé máy bay đã vượt sức mua của người dân. Ảnh: V.LONG

Mặc dù giá vé máy bay thời gian qua luôn neo ở mức cao nhưng một nghịch lý là nhiều hãng hàng không đều kêu lỗ. Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong năm 2023, Vietnam Airlines đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 92.231 tỉ đồng. Tuy nhiên, hãng bay này vẫn ghi nhận lỗ kế toán trước thuế là 5.977 tỉ đồng.

Theo Vietnam Airlines, dù thị trường hàng không đã phục hồi nhưng hãng vẫn đối mặt nhiều khó khăn từ suy giảm nhu cầu đi lại, thừa tải, cạnh tranh cao và các yếu tố bất ổn địa chính trị ảnh hưởng đến giá nhiên liệu bay, rủi ro tài chính (tỉ giá, lãi suất).

Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỉ đồng. Khoản lỗ lũy kế của hãng vượt 40.000 tỉ đồng.

Một "người em” của hãng hàng không quốc gia là Pacific Airlines (Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần) còn bết bát hơn khi phải đối diện với khó khăn về tài chính khi khoản lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỉ, âm vào vốn chủ sở hữu 6.700 tỉ đồng.

Với khó khăn trên, Pacific Airlines phải bán hết máy bay để trả nợ. Đây là sự kiện hi hữu của ngành hàng không Việt Nam từ trước đến nay.

Còn Bamboo Airways cũng ngập trong nợ nần, nhiều năm qua đang thực hiện tái cơ cấu, cắt giảm đường bay để tối ưu hóa lợi nhuận. Dù vậy, hãng chưa thể cắt lỗ ngay mà đặt mục tiêu năm nay đưa mức lỗ xuống mức trên dưới 1.000 tỉ đồng so với 4.000 - 5.000 tỉ đồng mỗi năm trong 5 năm trước đây. Đồng thời hướng tới kinh doanh hòa vốn trong năm 2025 và có lãi trong các năm tiếp theo.

Như vậy, trong năm 2023, chỉ có Vietjet là báo cáo mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất dương 344 tỉ đồng.

Nhà nước cần giải bài toán nghịch lý giá vé máy bay

Với thực tế nêu trên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho hay vừa qua Bộ GTVT thực hiện tăng giá trần vé máy bay nội địa. Thực tế, giá trần được xây dựng dựa vào đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, Nhà nước sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trên nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa các bên.

Nghĩa là Nhà nước không áp đặt mức giá này. Khi doanh nghiệp đưa ra đề xuất giá trần đã tính đến lợi nhuận trong đó. Trên cơ sở giá trần, các hãng xây dựng mức giá cho các đường bay nhưng không được vượt quy định.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng khi giá trần tăng, các hãng tăng giá vé theo, hành khách phản ứng vì nhiều mức giá đã vượt khả năng chi tiêu của họ mà doanh nghiệp vẫn kêu lỗ là một nghịch lý. Để giải bài toán này, cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân từ đâu.

“Vietnam Airlines vốn Nhà nước rất lớn, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể kiểm tra để xem doanh nghiệp lỗ có phải do năng lực quản lý yếu kém, bộ máy quá cồng kềnh, lương bổng chi trả quá cao hay do bố trí nhân sự chưa hợp lý, chưa tiết giảm các chi phí khác…. Thậm chí, xem xét giá trần hiện nay đã phù hợp chưa, nếu cần phải điều chỉnh” - ông Long góp ý.

Trước ý kiến một số người cho rằng để “cởi trói” hàng không cần bỏ giá trần vé máy bay, ông Long cho biết thị trường hàng không có đường bay quốc tế và nội địa. Trong đó, đường bay quốc tế có tính cạnh tranh thực sự nên Nhà nước không quy định giá trần.

Đối với thị trường hàng không nội địa hiện nay có 6 hãng hàng không đang hoạt động. Trong đó Vietnam Airlines và VietJet Air mỗi hãng chiếm khoảng 40% thị phần. Bamboo Airways, Vietravel , Pacific Airlines chiếm thị phần rất nhỏ còn lại. Như vậy, theo Luật Giá, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần.

“Quy định như trên để các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường không lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình để bán giá cao hơn giá trần gây thiệt hại cho người tiêu dùng” - ông Long cho hay.

Đồng tình, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng giá vé máy bay hiện nay đang vượt sức mua của người dân và cao hơn một số nước trong khu vực nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ là rất lạ. “Ngay lúc này cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc xem bất hợp lý nằm ở đâu”- vị chuyên gia này nói.

Trong báo cáo của Ban Dân vận Trung ương gửi đến các bộ, ngành về tình hình nhân dân cũng ghi nhận người dân rất quan tâm đến câu chuyện nghịch lý trên.

“Nhiều ý kiến bày tỏ, thông qua bài học về thiếu điện, thua lỗ của ngành điện và nghịch lý giá tăng và lỗ cũng tăng lên thì ngay lúc này Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm rõ những “khoản lỗ khổng lồ”, “chi phí bất hợp lý”...” - báo cáo của Ban Dân vận Trung ương nêu rõ.

Thêm vào đó, báo cáo cũng đề cập đến việc người dân đề nghị Nhà nước xem xét tái cơ cấu, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả đối với Vietnam Airlines để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để đảm bảo quyền lợi cho dân

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay phổ thông nội địa trong khung giá quy định. Các mức giá vé máy bay được các hãng hàng không thực hiện kê khai với Cục Hàng không Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Chẳng hạn, chặng bay Hà Nội - TP.HCM, Vietnam Airlines có 17 mức giá trong đó giá cao nhất là 2,937 triệu đồng; hay của Vietjet là 18 mức giá trong đó giá cao nhất là 2,870 triệu đồng, không vượt quá giá trần là 3,4 triệu đồng.

Khẳng định vé máy bay hiện chưa chạm trần nhưng để đảm bảo phát triển ngành hàng không trong dài hạn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đã yêu cầu các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để các hãng có điều kiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm