Việt Nam (VN) đang là điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, để giữ chân “đại bàng” một cách ổn định, bền vững, chúng ta cần bài toán chiến lược dài hơi.
Mới đây, hơn 200 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến VN. Theo đó, hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được các DN Hàn Quốc và VN ký kết.
Đáng chú ý, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol, LG Innotek đã đầu tư thêm 1 tỉ USD để mở rộng nhà máy sản xuất tại Hải Phòng. Qua đó, tạo thêm 2.600 việc làm và nộp ngân sách 100 tỉ đồng/năm.
Cách đây gần 20 năm, sau khi Intel đầu tư tại Khu công nghệ cao TP.HCM, tập đoàn này trở thành mô hình tham khảo trong các quyết định đầu tư vào VN của các tập đoàn đa quốc gia khác. Từ đó, góp phần tạo ra tín hiệu tốt về môi trường kinh doanh ở VN cũng như khuyến khích thu hút FDI vào thị trường này.
Từ đó cho đến nay, những tên tuổi hàng đầu trên thế giới như Samsung, Apple, Lego, Goolge… đã hiện diện và ngày càng mở rộng quy mô tại VN.
Thế nhưng, bức tranh về môi trường đầu tư kinh doanh tại VN đang bước sang giai đoạn mới. Đó là sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực trong việc thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao. Ngay cả ngành hàng dệt may vốn có tính thâm dụng lao động cũng đang bị các nước Ấn Độ, Bangladesh lấy đi đơn hàng, vì họ đi trước VN trong chiến lược kinh tế xanh.
Chưa hết, việc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chuẩn bị kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động FDI trên phạm vi toàn cầu, trong đó có VN.
Trong bối cảnh trên, các ông lớn FDI cam kết mở rộng đầu tư tại VN nhưng họ cũng lưu ý để hấp dẫn hơn, VN cần đầu tư vào những công nghệ mới. Cụ thể như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng xanh, chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế. Đồng thời, VN cần tiếp tục cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản, hiệu quả hơn. VN cũng cần quyết liệt hơn trong đào tạo và giữ chân nhân tài để gieo mầm cho sự tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây cũng cam kết rằng các kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị. Trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế mà các DN, nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị. Để từ đó các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động lâu dài tại VN với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi.