Ngày 3-10, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng với chủ đề Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, hội nghị là diễn đàn để tỉnh Cao Bằng và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, các đối tác doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ, thảo luận về cơ hội, định hướng và giải pháp để đẩy mạnh hợp tác đầu tư.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bày tỏ, với khát vọng vì một Cao Bằng phát triển, với phương châm nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng trong đột phá, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường hỗ trợ tối đa các cơ quan, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào Cao Bằng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nêu rõ lợi thế đặc thù của Cao Bằng là tỉnh biên giới, có trên 333 km đường biên giới tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đa dạng sinh học, địa chất; có nền văn hóa đặc sắc với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số…
Những điều kiện đó tạo nên tiềm năng, thế mạnh trong triển khai các trọng tâm đột phá của tỉnh. Với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế để vươn lên, những năm qua, Cao Bằng chung sức, đồng lòng, nỗ lực tạo sự thay đổi căn bản và thực chất trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh chủ trương khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kinh tế biên mậu.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cao Bằng là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình hợp tác du lịch liên quốc gia.
Ngày 15-9, tỉnh Cao Bằng phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc của Việt Nam và Đức Thiên của Trung Quốc với kỳ vọng đây là mô hình hợp tác du lịch xanh, du lịch bền vững tiêu biểu.
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Cao Bằng là tỉnh khá xa nhưng có nhiều sự hấp dẫn tự nhiên. Ông Hong Sun đề xuất, Cao Bằng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết với một số doanh nghiệp Hàn Quốc để đưa sản phẩm tới thị trường nước này.
“Hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, nhưng khách Hàn biết rất ít về Cao Bằng. Tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá để thu hút nhà đầu tư và du khách Hàn Quốc”- ông Hong Sun nói.