Ngày 25-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel. Vùng đất này do Israel chiếm của Syria trong cuộc chiến sáu ngày vào năm 1967 và chính thức sáp nhập vào lãnh thổ mình từ năm 1981.
Quan điểm của cộng đồng thế giới và cả các chính phủ Mỹ trước đây là không công nhận Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ của Israel. Vậy có thể nói bước đi này của ông Trump là một sự đảo ngược với chính sách lâu nay của Washington, sau bước đi công nhận Jerusalem thuộc chủ quyền Israel.
Trong bài viết trên báo The Hill (Mỹ), Tiến sĩ Stephen Blank nhận định bước đi của ông Trump vừa không có lợi cho Mỹ vừa không có lợi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tiến sĩ Blank là chuyên gia cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, chuyên nghiên cứu về địa chính trị và địa chiến lược khu vực Liên bang Xô viết trước đây, Nga, Á-Âu.
Ông Blank từng là giáo sư của Viện Nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quân sự Lục quân Mỹ chuyên nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh quốc gia Nga.
Mang rủi ro cho an ninh Israel
Tổng thống Trump có thể nghĩ ông đã mang đến cho Thủ tướng Netanyahu một đặc ân lớn khi công nhận chủ quyền Israel ở Cao nguyên Golan.
Nhưng thực tế, thay vì là một món quà, điều ông Trump thực sự mang lại cho ông Netanyahu và Israel là một cốc rượu độc. Chưa kể hành động này càng nhấn mạnh sự khiếm khuyết cố hữu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump.
Quyết định của ông Trump đã làm thay đổi về cơ bản tình huống chính trị ở Cao nguyên Golan, trong khi bối cảnh quân sự ở vùng đất này không thay đổi. Thay vì củng cố an ninh Israel, quyết định này càng làm an ninh Israel thêm rủi ro.
Quyết định của ông Trump khiến không chỉ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà không một chính phủ Syria nào trong tương lai có thể có hòa bình với Israel.
Sẽ không có chính phủ Syria nào chấp nhận việc Israel thiết lập chủ quyền ở Cao nguyên Golan, đưa dân đến vùng đất này để rồi có thể tiến về thủ đô Damascus của Syria.
Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng từ Syria từ cuộc chiến sáu ngày năm 1967. Ảnh: REUTERS
Chưa kể, việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan có thể là một cái cớ hoàn hảo cho Iran và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon ở lại Syria để bảo vệ nước này khỏi “mối đe dọa Israel”.
Các lực lượng Iran và các nhóm do Iran bảo trợ sẽ không chỉ ở lại Syria mà sẽ ngày càng mở rộng quy mô, đe dọa các đơn vị quân đội và dân thường Israel ở Cao nguyên Golan và cả trong lãnh thổ Israel. Israel rồi sẽ đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới và sẽ tốn kém hơn để đối phó.
Có thể nhìn thấy điều này qua trường hợp ông Trump công nhận Jerusalem thuộc chủ quyền Israel trước đó, dù người Palestine xem vùng đất này là thủ đô nhà nước tương lai của mình.
Quyết định của Tổng thống Trump là một lý do hoàn hảo để Palestine tránh xa đàm phán hòa bình, khi chính chủ nhân Nhà Trắng đã hủy hoại kế hoạch hòa bình Palestine-Israel của mình.
Không một lãnh đạo hay một tổ chức nào của Palestine tin vào sự công bằng, vô tư của Mỹ hay tin Israel là một đối tác hòa bình. An ninh Israel cũng nhiều rủi ro hơn sau quyết định này, với hàng loạt cuộc biểu tình của người Palestine.
Vì thế, có thể nói việc công nhận Jerusalem là lãnh thổ của Israel có thể giúp ông Netanyahu tăng uy tín bạn bè với Mỹ nhưng lại tạo ra nhiều mối đe dọa khẩn cấp bên trong lẫn bên ngoài nhà nước Do Thái.
Điều này cũng không tạo thuận lợi gì cho bất kỳ cơ hội hòa bình nào, thậm chí còn hủy hoại mọi hy vọng về một liên minh Ả Rập-Israel chống Iran, khi mà tiền đề của liên minh này là Israel phải cải thiện quan hệ với Palestine.
Hủy hoại quyền lợi của Mỹ ở Trung Đông
Không chỉ gây bất lợi cho an ninh Israel, quyết định của ông Trump còn hủy hoại quyền lợi của Mỹ ở Trung Đông và cả những nơi khác. Trước mắt, quyết định này không có lợi gì cho việc củng cố chiến dịch chống Iran.
Thay vào đó, bước đi của Tổng thống Mỹ càng giúp cho Iran có thêm cớ duy trì hiện diện ở Syria và Lebanon.
Tương tự, quyết định của ông Trump cũng củng cố thêm lý do để Nga tăng cường sức mạnh các căn cứ quân sự mình ở Syria. Quyết định này cũng gây ra thách thức cho các lực lượng Mỹ và NATO ở Địa Trung Hải. Nga sẽ càng thêm quyết tâm phải hủy hoại chính sách của Mỹ ở Trung Đông và châu Phi như đã và đang làm và đã có những thành công bước đầu.
Các thành công này của Nga là hậu quả trực tiếp của các chính sách thiếu cẩn trọng của Mỹ ở Trung Đông.
Cao nguyên Golan nhìn từ phía Israel. Ảnh: REUTERS
Rõ ràng Mỹ không có bất kỳ chiến lược xây dựng hòa bình ở Trung Đông. Các đối thủ của Mỹ cũng sẽ tận dụng quyết định của ông Trump để xây dựng hình ảnh Mỹ là kẻ đạo đức giả khi lên án việc các nước này sáp nhập lãnh thổ từ nước khác (chẳng hạn Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine).
Các đối thủ cũng sẽ dùng quyết định này của ông Trump để nói với Mỹ chuyện dùng vũ lực chiếm lãnh thổ là hợp pháp (Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria năm 1967). Các đối thủ cũng có thêm lý do để thuyết phục các nước khác về “tiêu chuẩn kép” của Mỹ.
Sai lầm của quyết định này chưa dừng lại ở đây. Với sự can thiệp rõ ràng vào cục diện chính trị Israel trước kỳ bầu cử của nước này, Mỹ đã mâu thuẫn với chính mình khi nói Nga can thiệp vào nội bộ chính trị của Mỹ và của các nước.
Có thể nói quyết định này nhìn chung là một sự khiếm khuyết trong các chính sách của ông Trump, làm hại các quyền lợi và giá trị của Mỹ.