Chiều 20-4, tại Bến Tre, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã tổ chức hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu từ tháng 11-2009, sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7-2-2015, dự án được tái khởi động. Tuy nhiên, sau khi tái khởi động lần 2, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cở sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh: Kiên Cường
Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được…
Để góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, trước đó Thường trực Chính phủ đã họp và có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 99/TB-VPCP ngày 18-3-2019 chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, Kết luận 99 cũng chỉ ra nhiều vướng mắc và chỉ đạo các phương án tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Nhà đầu tư quyết tâm khởi động lại dự án
Phía Bộ GTVT đã đồng ý để Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Sau khi tham gia vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến nay, dự án đã được tái khởi động lại với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như Chính phủ đã chỉ đạo.
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận băn khoăn, nhiệm vụ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 là rất khó khăn, trong điều kiện thời gian ngắn. Nếu không tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắt thì dự án sẽ khó đảm bảo tiến độ.
Theo ông Hoàng khi bắt tay vào tiếp nhận dự án, công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã khẩn trương đã tập trung triển khai một loạt các công việc cụ thể: Kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy quản trị và điều hành công ty, quản lý điều hành dự án; huy động tất cả các nguồn lực sẵn có của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (vốn tự có, tín dụng ngắn hạn, huy động khác). Cùng với đó là các giải pháp tổ chức lại thi công, kế hoạch chi tiết tập kết vật liệu xây dựng và hoàn chỉnh lại bộ máy… Đó là các giải pháp mang tính chủ động của nhà đầu tư để có thể bù đắp tiến độ đã bị chậm trước đây (gần 5 năm qua) làm cơ sở điều chỉnh tổng tiến độ thực hiện.
Ký kết một số thỏa thuận hợp tác về vốn tín dụng, bình ổn nguyên vật liệu nhằm thúc đẩy dự án
Ông Hoàng kỳ vọng: Các bên là: Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn cần xác định khi đã nhận trách nhiệm trước Thường trực Chính phủ cam kết thông tuyến vào năm 2020; cần phối hợp đồng lòng “không đỗ lỗi cho nhau”, thật sự cầu thị.
“Việc thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 là nhiệm vụ không quá khó, nhưng cũng là mục tiêu không phải dễ dàng thực hiện, nếu các bên liên quan không thực sự đồng lòng, chung sức và thể hiện sự quyết tâm để chúng ta không lỗi hẹn thêm lần nữa với 23 triệu dân khu vực ĐBSCL”- ông Hoàng nói.
Nói về việc tài trợ, sắp xếp nguồn vốn tín dụng để đảm bảo tính khả thi của dự án, ông Lê Duy Hải – Giám đốc khách hàng khối doanh nghiệp Viettinbank cho biết Viettinbank là ngân hàng đầu mối cùng các ngân hàng BIDV, VPbank và Agribank… đồng tài trợ khoảng 6.550 tỉ đồng cho dự án, và đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng với công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vào tháng 6-2018.
Với vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn đồng tài trợ, ông Hải khẳng định, Viettinbank và các ngân hàng đồng tài trợ sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn đầy đủ và kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Xác định một trong những giải pháp quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đó là vốn tín dụng, bình ổn giá nguyên vật liệu, trong chương trình Hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các đơn vị đầu tư đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác thúc đẩy dự án.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điểu chỉnh là 9.668 tỉ đồng, nhưng hiện mới đạt khoảng 16% tổng khối lượng thi công. Trong cuộc họp mới đây với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết địa phương đã giải tỏa 50,51km đạt 98% khối lượng. Chỉ còn 590m chưa bàn giao và tỉnh cam kết sẽ quyết liệt trong thời gian tới.