Lúc 7 giờ sáng nay, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho hay đã có bốn người chết do lũ. Trong đó, huyện Phú Hòa hai người và huyện Sơn Hòa hai người.
Hiện lũ dâng làm ngập gần 29.000 căn nhà ở Phú Yên, trong đó nặng nhất là TP Tuy Hòa với gần 21.000 căn.
Nhiều căn nhà tại thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Trước đó, ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa thông tin trong đêm 30-11 lũ lên rất nhanh, dâng cao khiến nhiều người dân phường 4, phường 6, xã Bình Ngọc không thoát kịp, bị mắc kẹt trong các khu vực bị ngập sâu.
Thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa ngập sâu trong nước. Ảnh: QUANG ĐỆ
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho hay lúc 0 giờ ngày 1-12 lũ ở tỉnh này đã bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1993. Triều cường đạt đỉnh lúc 5 giờ ngày 1-12 khiến lũ chưa thể rút.
Người dân dùng xuồng để đi lại trên đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa. Ảnh: QUANG ĐỆ
Còn ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết hiện hồ chứa thủy điện này đang xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng 5.400 m3/giây.
Theo ông Lý, tối 30-11 chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cùng một số nhà máy thủy điện trên sông Ba phải giảm lưu lượng xả lũ để giảm áp lực lũ đối với hạ du. Sau khi xả lũ với lưu lượng 9.400 m3/giây, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đã giảm dần lưu lượng.
Một số hình ảnh mà PV ghi nhận được tại thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa - hiện nước ngập khá cao và đang rút từ từ (Ảnh - Công Nguyên):
Thị xã Đông Hòa ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Nhiều nơi tại phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cũng ngập khá sâu. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Lũ làm nhiều nơi tại huyện Đông Hòa, Phú Yên ngập sâu. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Lũ làm nhiều nơi tại huyện Đông Hòa, Phú Yên ngập sâu. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 1659 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. Trong những ngày tới, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở. Trên cơ sở đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là tại những khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung, không để người dân đói, rét… Với những gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất sau lũ. AN HIỀN |