Chiến dịch do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Tổ chức Plan International Việt Nam, Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện. Sự kiện cũng nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Bộ LĐTB&XH chủ trì.
Phát biểu trong buổi phát động, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: "Chúng ta vẫn hay chứng kiến những hành động em gái bị trêu ghẹo, quấy rối, đặc biệt tại những nơi công cộng như bến xe bus, nhà ga, công viên... Vì phổ biến quá nên có khi nhiều người cho đó là chuyện bình thường, “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu".
Hay nếu các em gái bị quấy rối, các em lại có thể bị mặc định “con gái mà, chuyện bình thường", “chắc lại ăn mặc hở hang hay thế nào!”... khiến các em gái không thể lên tiếng, người chứng kiến thì im lặng, thờ ơ”.
NSƯT Xuân Bắc chia sẻ tại sự kiện. Ảnh VT
Tâm lý, suy nghĩ ấy, ứng xử ấy đã dung dưỡng cho các hành vi xấu tiếp diễn và leo thang.
“Chuyện quấy rối em gái không thể là chuyện bình thường. Chúng tôi hy vọng chiến dịchsẽ cung cấp cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn thanh niên, cả nam và nữ những kiến thức và kỹ năng chuẩn. Để những người hành xử văn minh, lịch sự và sẵn sàng lên tiếng, can thiệp khi chứng kiến em gái bị quấy rối” - bà Phương Linh nói.
Là người đồng hành cùng chiến dịch, NSƯT Xuân Bắc các số liệu thống kê về quấy rối phụ nữ là hồi chuông cảnh tỉnh, mà xã hội cần can thiệp và hành động ngay lập tức.
"Sinh viên, thanh niên chính là thế hệ tương lai của đất nước, cần trang bị kiến thức, kĩ năng tôn trọng người khác, cũng như bảo vệ chính bản thân mình và lên tiếng chống lại những hành động sai trái.” - NSƯT Xuân Bắc nói.
Trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ im lặng khi chứng kiến hành vi quấy rối, xâm hại em gái hay đổ lỗi cho nạn nhân, hay sợ liên lụy, vô cảm, bà Lê Quỳnh Lan, thuộc Plan International Việt Nam bày tỏ: “Chúng ta cần chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân trong bất cứ trường hợp, hoàn cảnh nào. Việc bạn ấy ăn mặc, trang điểm… ra sao không bao giờ là lời biện minh hợp lý cho hành vi quấy rối, xâm hại".
Bà Lan cũng cho rằng, gia đình cần dạy cho con, em mình ngay từ khi còn nhỏ về những kĩ năng tự bảo vệ bản thân, để các em tự tin nói với cha mẹ, thầy cô ngay khi gặp những việc khiến các em khó chịu hay không thoải mái. Như vậy khi lớn lên các em sẽ là những nhân tố tích cực tạo nên sự thay đổi.