'Ori biết tuốt' về nạn xâm hại tình dục

Ba năm trước, Trần Lê Thảo Nhi là nhân vật trong bài viết “Bé lớp 4 ‘diễn thuyết’ với bạn về xâm hại tình dục” đăng trên Báo Pháp Luật TPHCM vào năm 2017. Lúc đó, dù còn nhỏ nhưng Thảo Nhi đã ý thức được rất rõ về hậu quả của nạn xâm hại tình dục (XHTD) và tự thấy mình phải có trách nhiệm nói cho những người bạn cùng lứa về điều này. Sau đó, Thảo Nhi cùng TS Phạm Thị Thúy và tác giả Đào Trung Uyên đã viết nên cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con - Những bảo bối của hiệp sĩ Tani.

Ba năm sau, Thảo Nhi (13 tuổi, học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), là nhóm trưởng của nhóm SESF (Sex Education & Self defense), cùng với các bạn đã ‘hiện thực hoá’ tâm huyết của mình bằng một dự án đầy thuyết phục, lọt vào top 5 chương trình sáng tạo xã hội cho thanh thiếu niên của FutureU.

Hành trình của một cô bé

Thời điểm ba năm trước, khi được hỏi lý do mà Nhi khao khát được nói nhiều hơn về vấn đề này với các bạn cùng trang lứa, Nhi bảo: Em buồn rất nhiều khi các bạn còn nhỏ tuổi lại gặp phải chuyện không may, các bạn sẽ thấy xấu hổ rồi tự ngăn cách mình với bạn bè xung quanh. Nhi tự thấy mình phải có trách nhiệm nói với các bạn điều đó. 

Thảo Nhi của ngày hôm nay, muốn biến những trách nhiệm thành một điều gì đó thật cụ thể cho cộng đồng. Ý tưởng xây dựng một game mini về giáo dục giới tính ra đời từ chính những trăn trở, đau đáu của một cô bé 13 tuổi vì nạn XHTD vẫn ‘nóng’ trong suốt nhiều năm qua.  

Trần Lê Thảo Nhi đang thực hiện khảo sát cho buổi chạy thử prototype đầu tiên với người dùng nhí của dự án. ẢNH: FutureU

“Bạn đã bao giờ được học giáo dục giới tính nhưng rốt cuộc những gì nhận được là bối rối và khó hiểu chưa? Những câu hỏi ngây ngô, những cái thai bị bỏ, bệnh lậu, vượt rào ăn “trái cấm” khi chưa tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa … đều là những bóng ma vô hình mà đáng sợ, hủy hoại cuộc sống con người, sinh ra từ việc thiếu kiến thức giới tính”, Thảo Nhi tự đặt vấn đề cho mình rồi nảy sinh ý tưởng thực hiện dự án.

Ori biết tuốt 

Ori biết tuốt là cái tên mà Thảo Nhi đặt cho dự án của mình, được xây dựng dưới hình thức là một App store như một mini game. Game được Thảo Nhi và các bạn xây dựng theo cách: có nhân vật hướng dẫn là nhân vật hoạt hình cổ tích nhằm tăng hứng thú cho người chơi và phù hợp với độ tuổi của người dùng.

Nội dung của game được xây dựng từ các tình huống thực tế, các kiến thức đưa vào game được phân hoá cho các nhóm người dùng tuỳ theo từng độ tuổi khác nhau (từ 5-14 tuổi). Đáp án đúng của game chính là cách xử lý thoát hiểm với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, nhóm của Nhi cũng xây dựng một ‘góc tâm tư’ (confession) cho các bạn nhóm tuổi từ 10-15 dựa trên sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của các chuyên gia tâm lý như TS. Phạm Thị Thuý- chuyên viên tham vấn tâm lý, Thạc sĩ tâm lý học Lê Minh Huân…

Trang cofession này nhằm tư vấn, giải đáp những thắc mắc, cách xử lý các tình huống về giới tính cũng như tâm tư tuổi mới lớn trong thời buổi hiện nay; hoặc là nơi để các bạn có thể hỏi những điều “ngại ngùng”, không dám hỏi ai ở bên ngoài.

Trần Lê Thảo Nhi thuyết trình với BGK và trình cộng đồng dự án của nhóm mình. ẢNH: FutureU.

Vừa qua, cả nhóm gồm 3 thành viên của Thảo Nhi đã có buổi triển lãm và báo cáo với cộng đồng, nhà đầu tư, các tổ chức, công ty và đơn vị truyền thông về những giá trị xã hội, những bài học kinh nghiệm và bước phát triển tiếp theo của dự án.

“Xong dự án, em nợ 10 triệu”

Thảo Nhi cùng hai người bạn cùng lớp của mình là Trần Xuân Minh Châu và Lê Vũ Nguyệt Minh đã trải qua khoảng thời gian 8 tháng để bắt đầu xây dựng ý tưởng thực hiện cho đến khi đưa dự án đến với các nhà đầu tư, các tổ chức.

Với Nhi, 8 tháng đó là cả một quá trình nỗ lực của chính bản thân và hai người bạn cùng nhóm. Tất cả những công đoạn nhỏ của dự án, đều do cả nhóm tự thực hiện dưới sự quản lý, đốc thúc của một người hướng dẫn riêng. Nhi cùng các bạn phải chạy deadline để làm sao hoàn thành một giai đoạn mới của dự án; phải làm sao để vừa cân bằng việc học ở trường, vừa có thể hoàn thành ý tưởng của mình trọn vẹn nhất.

“Khi làm dự án, đòi hỏi cả em và các bạn phải nghiêm túc để thực hiện ý tưởng của mình qua từng giai đoạn. Vì tâm huyết nên bản thân em tự viết nội dung, xây dựng các tình huống rồi thảo luận với các bạn để tìm hình thức xây dựng app. Tất cả những hình ảnh của nhân vật, quang cảnh trong app này đều do nhóm em tự vẽ chứ không thuê hoạ sĩ hay ai cả”, Nhi nói.

Trần Lê Thảo Nhi và hai người bạn của mình vui mừng trong ngày dự án lọt vào top 10. ẢNH: FutureU

Cũng chính vì muốn tự tay làm tất cả mọi thứ, cả nhóm ba thành viên của Nhi từng có khoảng thời gian rơi vào stress cực độ. “Bình thường tụi em rất thân thiết nhưng có lúc cả ba cãi nhau đến nổi có khi không thèm nhìn mặt nhau nữa. Lúc làm thì có khi không như kế hoạch ban đầu nên tụi em phải tự sửa, tự chỉ ra cái chưa được của nhau để làm tốt hơn”, Nhi chia sẻ.

Để triển khai dự án trên thực tế, nhóm phải tổ chức gọi vốn để thực hiện các công đoạn như marketing, chạy quảng bá cho app trên Facebook… Sau khi hoàn thiện phần thiết kế ứng dụng, phải thực hiện khảo sát, lấy phản hồi 100-200 người dùng từ 5-14 tuổi để từ đó nâng cấp phần mềm rồi cho ra mắt ứng dụng chính thức.

Thảo Nhi nói, đây là dự án xã hội đầu tay của em cùng các bạn nên học được rất nhiều thứ. Trong đó, bài học về kế hoạch, làm việc nhóm, tổ chức để chạy deadline, đưa ra ý tưởng và thực hiện nó trong thực tế là kĩ năng quan trọng.

“Xong dự án này, em nợ 10 triệu”, Nhi kể lại. Vì không thể đảm bảo deadline để chạy ứng dụng chính thức theo đúng kế hoạch, nhóm của Nhi đã phải đền bù cho việc chậm tiến độ.

“Nhưng đó là một bài học đáng giá”, Nhi nói.

 

FutureU là chương trình sáng tạo xã hội mời học sinh từ 12-18 tuổi tại Việt Nam tham gia phát kiến ý tưởng và hỗ trợ các em triển khai dự án, nhằm vào giải quyết các thách thức mà xã hội và cộng đồng đang gặp phải, có liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

Các dự án tiềm năng nhất sẽ được kết nối tham gia vào các cuộc thi, chương trình ươm tạo quốc tế và chương trình học bổng đại học của: UNICEF, UNDP, UNESCO, NFTE và Conrad Foundation.

Top 5 dự án sẽ triển lãm và báo cáo với cộng đồng, nhà đầu tư, các tổ chức, công ty và đơn vị truyền thông về những giá trị xã hội, những bài học kinh nghiệm và bước phát triển tiếp theo của dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm