Chanh leo Việt chính thức sang Trung Quốc theo đường chính ngạch

(PLO)-  Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 7-2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và tập huấn các quy định liên quan.

Ông Lương Ngọc Quang, chuyên viên phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Bộ NN&PTNT và Tổng cục hải quan Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để xuất khẩu thử nghiệm quả chanh leo tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Thời gian áp dụng từ đầu tháng 7-2022.

Đây là kết quả sau gần 6 năm đàm phán, trao đổi thông tin của các cơ quan hai nước. Như vậy, chanh leo là quả tươi thứ mười của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, cùng với các loại quả thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: AH

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: AH

“Vì là xuất khẩu tạm thời nên phía Trung Quốc chỉ cho xuất nhập khẩu qua 7 cửa khẩu khu vực biên giới. Khi nào hai bên ký Nghị định thư thì hoạt động xuất khẩu chanh leo chính ngạch mới diễn ra ở tất cả các cửa khẩu” - ông Quang nói.

Theo đó, 7 cửa khẩu đó là cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; Tân Thanh - Pò Chài; Cốc Nam - Bằng Tường; Đồng Đăng - Bằng Tường; Móng Cái - Đông Hưng; Trà Lĩnh - Long Bang; Tà Lùng - Thuỷ Khẩu.

Tiếp tục thông tin, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết vườn chanh leo và cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT, được Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan TQ đồng phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ, mã số đăng ký để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc.

Trước mùa xuất khẩu hàng năm, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách đăng ký, sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét và phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách đăng ký trên trang website.

Danh mục các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm là ruồi đục quả, hai loài rệp sáp, hai loài nấm bệnh.

Tất cả vùng trồng muốn xuất khẩu sang TQ đều phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Việc chế biến và đóng gói chanh leo xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc phải được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT.

Bao bì đóng gói phải sạch, hợp vệ sinh, chưa quả sử dụng, bao bì dán đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh gồm tên trái cây, quốc gia, nơi xuất xứ, vườn trồng, mã số đăng ký…

Trước khi xuất cảnh, Bộ NN&PTNT lấy mẫu với tỉ lệ 2% mỗi lô hàng chanh leo xuất sang Trung Quốc để kiểm dịch, lấy ít nhất 30 quả và tất cả những quả khả nghi để cắt kiểm tra. Nếu phát hiện sinh vật có hại, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ tạm dừng tư cách xuất khẩu vụ mùa của xưởng đóng gói cũng như vườn trồng liên quan.

“Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất nhập quả chanh leo tươi của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo tới tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần phát triển thương mại nông sản giữa hai nước” - đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện có đến 79% diện tích chanh leo được trồng ở Tây Nguyên, tập trung chủ yếu ở Gia Lai. Diện tích dự kiến giai đoạn 2025-2030 có thể lên tới 15.000 ha, sản lượng quả tươi có thể đạt 300.000-400.000 tấn.

Ngoài xuất khẩu chanh leo tươi, chanh leo còn được xuất khẩu dưới dạng đã qua chế biến. Đơn cử như nước ép chanh leo, chanh leo đông lạnh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm