Chào 2022, lạc quan với ánh sáng xuyên đại dịch

Một năm với bao mất mát, khó khăn vì đại dịch COVID-19 đã qua đi, thế giới đón năm 2022 với nhiều kỳ vọng lạc quan. Năm 2022, người dân thế giới sẽ dần gặt hái những thành quả từ quá trình nỗ lực suốt năm qua trên hàng loạt lĩnh vực từ y tế đến môi trường, kinh tế.

Đại dịch không còn quá đáng sợ

Năm 2022, vaccine sẽ được phủ gần kín toàn cầu. Theo tạp chí Foreign Policy, đến nay thế giới đã tiêm được hơn 4 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19, với phần đông người được tiêm ba mũi. Tuy nhiên, hầu hết những người này tập trung ở những nước giàu, trong khi rất đông dân số các nước thu nhập thấp hơn thậm chí còn chưa được tiêm mũi 1. Năm 2022, 1 tỉ liều vaccine dự kiến sẽ được chuyển đến châu Phi, đủ để tiêm ngừa cho 70% dân số khu vực này. Đây là tin rất tích cực khi tính đến tháng 12-2021, tỉ lệ người được tiêm hai mũi ở châu Phi mới đạt 8%.

Thế giới đón năm mới 2022 với niềm hy vọng đại dịch sẽ lùi xa và điều tốt đẹp sẽ đến (bảng hiệu chào năm mới ở Quảng trường Thời đại tại TP New York, Mỹ). Ảnh: AP

Năng lực sản xuất vaccine toàn cầu đã được cải thiện rất nhiều trong năm qua, giúp nguồn cung không còn quá khan hiếm như trước. Các nước cũng đã rút kinh nghiệm trong quá trình phân phối, tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vaccine. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách trong tỉ lệ tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo không còn lâu nữa.

Một hy vọng nữa, thuốc điều trị COVID-19 (Paxlovid của Pfizer, Molnupiravir của Merck) đã có. Các hãng dược Pfizer, Merck của Mỹ đã cho phép các hãng dược khác được sử dụng công thức để sản xuất thuốc phiên bản cung cấp cho thế giới. Chưa biết chính xác thời điểm người dân các nước sẽ được tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 nhưng theo tính toán của giới chuyên gia và quan chức y tế thì sẽ trong năm 2022 này.

Virus vẫn sẽ chưa ngừng biến đổi, tuy nhiên với biến thể Omicron mới nhất có độc lực được đánh giá nhẹ hơn biến thể trước là Delta, khả năng các dòng biến thể sau sẽ tiếp tục nhẹ hơn.

Với các diễn biến này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tự tin dự báo giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022.

Kinh tế thế giới phục hồi tốt

Sau thời gian suy thoái vì đại dịch COVID-19, trong năm 2022, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ và ổn định nhanh trên con đường quay lại đà tăng trưởng trước dịch. Theo báo cáo thường niên công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh, tổng giá trị nền kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100.000 tỉ USD vào năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi trước đó CEBR từng dự báo phải đến năm 2024 thế giới mới có thể chạm tới cột mốc này.

Mức tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến được cho là nhờ khả năng thích ứng tốt hơn với đại dịch của các nền kinh tế, khiến các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại gây thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. Các nước hầu hết cũng đã chuyển sang sống chung an toàn với dịch COVID-19 và triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu đại dịch.

Dù vậy, mức tăng trưởng được đánh giá là sẽ không đồng đều. Các nước ở châu Á - Thái Bình Dương dù mở cửa sau nhưng sẽ có đà phục hồi mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế khác vốn mở cửa trước từ lúc số ca nhiễm COVID-19 còn cao sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Rủi ro lớn nhất tới các triển vọng lạc quan nói trên là lạm phát, theo CEBR. Trung tâm này cho rằng nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó, lạm phát có thể kéo lùi các kết quả thu được trong năm 2022 và lại đẩy thế giới vào suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.

Dù thế, theo báo cáo dự báo của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) mà hãng tin Bloomberg dẫn lại thì đây là vấn đề không quá nghiêm trọng. Lạm phát ở các nền kinh tế lớn có thể sẽ tăng cao tạm thời vào đầu năm 2022 nhưng rồi sẽ giảm dần trong các tháng tới. Còn theo dự báo của Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh), lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ mức đỉnh 5% trong quý IV năm nay xuống còn 2,8% trong năm sau, thấp hơn mức trung bình 3,2% của năm 2019.•

 

Giới chuyên gia kỳ vọng những tiến bộ trong nghiên cứu vaccine COVID-19 sẽ được nhân rộng ra nghiên cứu chống lại các loại bệnh khác. Năm 2021, vaccine ngừa sốt rét đầu tiên trên thế giới dựa trên công nghệ mRNA, vốn được ứng dụng ở rất nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay, ra đời. Hãng dược Mỹ Moderna đang chuẩn bị thử nghiệm trên người vaccine ngừa HIV/AIDS dùng công nghệ mRNA. Công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech đang tính ứng dụng mRNA vào bào chế vaccine ngừa bệnh lao.

Nhâm Dần 2022 bàn về chuyện bảo vệ hổ

2022 theo âm lịch là năm Nhâm Dần cũng là năm kết thúc chương trình TX-2 kéo dài 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi số hổ hoang dã ở 13 quốc gia châu Á do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng. Đây là chương trình tham vọng nhất toàn cầu nhằm bảo vệ nhiều giống hổ khỏi nạn tuyệt chủng. Dù mục tiêu của chương trình vẫn chưa đạt được, song báo cáo mới nhất hồi tháng 11-2021 của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khẳng định kết quả vượt trội của chương trình khi có số lượng hổ ở các khu bảo tồn tại sáu quốc gia đã tăng 40% trong giai đoạn 2015-2021.

Dù tình hình đa dạng sinh thái toàn cầu nói chung vẫn còn tương đối ảm đạm và danh sách các loài bị đưa vào sách đỏ tăng lên từng năm, kết quả chương trình TX-2 cho thấy con người vẫn có khả năng bảo vệ được các giống loài khác nếu tập trung nhân lực và nguồn lực. Cộng thêm các tiến bộ khác trong lĩnh vực nông nghiệp giúp con người sản xuất được nhiều thức ăn hơn mà không cải tạo thêm đất và phá hủy môi trường sống của các loài động vật khác, có thể kỳ vọng một tương lai tích cực hơn nơi con người có thể chung sống hòa bình với thiên nhiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm