Sáng 23-12, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM thành quả và kinh nghiệm”.
Dịp này, lãnh đạo TP.HCM, nguyên lãnh đạo TP, lãnh đạo huyện Cần Giờ qua các thời kỳ đã đánh giá thành quả lớn nhất mà Cần Giờ có được sau hơn 40 năm chính là rừng, đường, điện, nước.
Bốn vấn đề cần đồng bộ
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc huyện Duyên Hải, tỉnh Đồng Nai (Cần Giờ ngày nay) được sáp nhập về TP.HCM vào ngày 29-12-1978 là quyết định lịch sử, có tầm chiến lược. Từ đó TP trở thành một đô thị có biển, phát triển được kinh tế, văn hóa, tiềm lực quốc phòng.
Ông đánh giá thành tựu cụ thể Cần Giờ đạt được phải kể đến việc hoàn thiện hệ thống đường kết nối Cần Giờ với Nhà Bè và nội thành TP, tạo nên trục đường xương sống. Đưa điện về với Cần Giờ, chấm dứt tình trạng đèn dầu leo lét hơn 100 năm và việc xây đê chắn sóng khu vực Long Hòa cũng là những bước tiến quan trọng.
Sắp tới, muốn phát triển kinh tế huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy chỉ ra phải đồng bộ bốn vấn đề. Một là phải có quy hoạch mới, phù hợp, phát huy được thế mạnh cho khu vực.
Hai năm qua Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP tổ chức cuộc thi về quy hoạch lại Cần Giờ. Hiện cuộc thi đã có kết quả, sắp tới sẽ báo cáo với HĐND rồi đi vào thiết kế.
Thứ hai, Cần Giờ phải có dự án trọng điểm và có lộ trình khai thác tài nguyên để thực hiện quyết liệt. Thứ ba, huyện cần đồng bộ về nhân lực để quản lý, phát triển kinh tế.
Cuối cùng là Cần Giờ phải có chính sách đặc thù về khai thác du lịch, phát triển di sản… “Đây là vùng có 20 cây số bờ biển, phải giữ bờ biển tự nhiên phục vụ quốc phòng, không thể khai thác du lịch hết” - Bí thư nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu trước buổi hội thảo. Ảnh: L.THOA
Kế hoạch lấn biển cần nghiên cứu kỹ
Bí thư Nhân khẳng định: “Chưa bao giờ Cần Giờ có cơ hội phát triển tốt như bây giờ. Mới đây trung ương đã có nghị quyết phát triển kinh tế biển đến năm 2030, đây là cơ hội cho TP chúng ta”.
Ông cho rằng sắp tới Cần Giờ nên phát triển du lịch biển và tài nguyên thiên nhiên; phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; phát triển giao thông vận tải trên biển, hệ thống cảng, đóng tàu…
Riêng với vấn đề lấn biển để phát triển du lịch, kinh tế thì Bí thư Nhân cho rằng TP phải xem xét, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế.
“Việc lấn biển không phải bằng mọi giá mà phải đảm bảo các điều kiện cần thiết. Nếu làm thì phải khoa học, theo hướng bảo tồn, phải rất thận trọng, giữ gìn khu sinh quyển Cần Giờ. Nếu quyết định sai, thế hệ sau sẽ lên án chúng ta” - ông nhấn mạnh.
Hiện Cần Giờ vẫn còn những thách thức như vẫn là địa phương nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất TP; hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nhân lực còn ít, có áp lực xung đột giữa phát triển kinh tế với môi trường…
Bí thư Thành ủy TP khẳng định huyện Cần Giờ chính là địa phương đặc biệt và TP đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch dài hạn cho Cần Giờ, giai đoạn 2030-2045 sẽ đưa Cần Giờ phát triển bền vững.
Cần Giờ đang cần một cú đẩy, cần thêm những công trình, phát huy thế mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái… Việc lấn biển phải lắng nghe nhiều chuyên gia, làm đường hay xây cầu đều phải rất thận trọng. Phải giữ cho được rừng và trồng thêm rừng theo hướng đa dạng sinh học. Nếu có định hướng đúng, chính sách đầu tư đúng thì Cần Giờ sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP, Chủ tịch HĐND TP Cần Giờ ngày nay đã được thay da đổi thịt. Người dân Cần Giờ vô cùng biết ơn Đảng bộ và nhân dân TP đã chăm lo cho Cần Giờ như người mẹ yêu thương, nuôi nấng đứa con nghèo khổ. Tôi mong lãnh đạo TP sớm tăng cường nhân lực để giúp Cần Giờ chuyển mình, trở thành một cửa biển đẹp và vững mạnh của TP. Ông ĐOÀN NGỌC TUẤN, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Giờ |