Chạy chức, chạy quyền là siêu lợi nhuận

Trong phiên chất vấn chiều 18-11, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thừa nhận tình trạng chạy chức, chạy quyền đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng rất khó ngăn chặn vì người chạy chức, chạy quyền không nói; cơ quan nhà nước lại không biết để xử lý.

Chạy chức, chạy quyền đang gia tăng

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã làm hội trường “nóng” khi nói: “Cách đây hai năm tại kỳ họp thứ hai, tôi đã chất vấn chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy việc. Qua theo dõi, tình trạng trên chưa giảm mà còn có biểu hiện gia tăng. Chẳng hạn ngành giáo dục cho ra lò khoảng 30% tiến sĩ chưa đảm bảo chất lượng nhưng nhiều địa phương cho đó là nhân tài.

Nhiều viện nghiên cứu thiếu giáo sư, tiến sĩ, có trường đại học lập danh sách khống giảng viên là tiến sĩ. Ngược lại, trong cơ quan nhà nước lại có nhiều tiến sĩ, họ kiếm bằng tiến sĩ để làm quan... Nhiều sinh viên học giỏi, khi ra trường phải bỏ hàng trăm triệu đồng để chạy việc. Có ý kiến cho rằng đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận. Bộ trưởng nghĩ gì, có giải pháp gì, trách nhiệm của bộ đến đâu?”.

Chạy chức, chạy quyền là siêu lợi nhuận ảnh 1

Cạnh tranh thi tuyển, một hình thức hạn chế chạy chức, chạy quyền. Trong ảnh: Thi tuyển công chức hành chính năm 2009 tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Thừa nhận thực trạng nêu trên trong ngành giáo dục nhưng Bộ trưởng Tuấn nói: “Không thể không công nhận bằng cấp của cấp có thẩm quyền. Còn việc ghi khống giáo sư, tiến sĩ ở trường đại học, Bộ sẽ có ý kiến với cơ quan quản lý giáo dục”.

Với nạn chạy chức, chạy quyền, ông Tuấn không trả lời thẳng mà đi vào quy trình tổ chức cán bộ. Đại biểu Cuông nói: “Bộ trưởng không trả lời vào thẳng vấn đề mà chỉ lại loanh quanh, qua loa rồi đi vào các vấn đề khác. Tôi muốn hỏi là có việc chạy chức, chạy quyền hay không, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu trong việc ngăn chặn?” - ông Cuông hỏi.

Đến lúc này, bộ trưởng thừa nhận là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhận định: Chạy chức, chạy quyền đang có xu hướng gia tăng.

Biết có nhưng khó ngăn

“Khó ở chỗ người ta chạy chức, chạy quyền người ta đâu có trao đổi. Bản thân cơ quan nhà nước cũng không biết” - Bộ trưởng Trần Văn Tuấn

“Bộ trưởng nói khó, chẳng lẽ bó tay hay sao? Tại sao khi tuyển dụng cán bộ, chúng ta không công khai đưa ra nhiều ứng cử viên cho họ cạnh tranh?” - Đại biểu Lê Văn Cuông

Bộ trưởng than: Rất khó để chấm dứt tình trạng chạy vì “người chạy chức chạy quyền có nói ra đâu, cơ quan nhà nước cũng không biết, cán bộ giúp chạy chức thì tìm cách nêu những mặt tốt của người chạy...”.

Đại biểu Cuông truy: “Bộ trưởng nói vấn đề này khó, chẳng lẽ bó tay? Khi tuyển dụng cán bộ, sao chúng ta không công khai cho nhiều ứng cử viên cạnh tranh, đối thoại để biết ai hơn ai?”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) chất vấn: Chúng tôi cũng hiểu rằng chẳng ai chạy chức, chạy quyền lại đi báo cáo bộ trưởng. Nhưng chúng tôi hỏi vì sao chúng ta để tồn tại quá lâu tình trạng này mà lại không thể ngăn chặn. Tại sao chúng ta không truy tìm nguyên nhân gốc chứ không phải hiện tượng bên ngoài?

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đặt dấu hỏi: Phải chăng nạn chạy chức, chạy quyền có nguyên nhân từ chính trong bộ máy tổ chức cán bộ, hay do chúng ta xử lý không nghiêm?

Thừa nhận là còn kẽ hở để nhiều người lợi dụng nhưng Bộ trưởng Tuấn khẳng định không hề thiếu chế tài để xử lý và xử lý rất nghiêm. “Tuy nhiên, vấn đề là có phát hiện được việc chạy chức, chạy quyền hay không”. Và ông đề nghị: Khi bổ nhiệm phải làm đúng những quy trình đã có (Quyết định 67, 68) sẽ hạn chế nạn chạy chức, chạy quyền. Bộ trưởng cũng cho biết: Để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong thi tuyển công chức, thời gian tới sẽ không căn cứ vào đạt chuẩn mà sẽ có nhiều người thi, ai đạt cao sẽ được vào.

Đại biểu Lê Hùng (Bạc Liêu):

Chờ lâu, khắc phải... chạy!

Tôi thấy bộ trưởng Bộ Nội vụ còn trả lời chung chung chứ chưa đưa ra được giải pháp cụ thể. Trong quy trình bổ nhiệm cán bộ có vẻ chặt chẽ nhưng thực chất lại rắc rối, có thủ tục không cần thiết.

Ví dụ chuyện hiệp y với ngành nội vụ chẳng hạn. Ở huyện, tôi muốn bổ nhiệm một trưởng phòng, cấp ủy nhất trí nhưng chủ tịch huyện phải chờ hiệp y của Sở Nội vụ. Ở cấp tỉnh thì chờ hiệp y của Bộ Nội vụ. Đây cũng là thủ tục làm nảy sinh nạn chạy chức vì khi hồ sơ sang Sở, Bộ Nội vụ đôi khi bị “ngâm” rất lâu, có khi phải chạy lên “nhắc nhở”!

Tôi nghĩ thủ tục này nên bỏ đi. Chủ trương của Đảng và nhà nước sắp tới là bầu cử trực tiếp, bổ nhiệm trực tiếp thì không cần quá nhiều thủ tục nữa. Đôi khi nhiều thủ tục, chờ lâu nên người ta phải chạy.

LÊ KIÊN

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm