Nhóm thanh niên 20-22 tuổi dựng clip "trò đùa - troll bom đường phố" đã bị mời đến Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50 Hà Nội) làm việc.
Nhóm này đã từng dựng nhiều clip dạng “đường phố” rồi đăng lên Youtube, hưởng lợi tiền quảng cáo từ lượt người xem.
Đây đúng là nhóm “không phải dạng vừa”. Kênh riêng của họ có gần 350.000 người đăng ký theo dõi. Một clip vui của nhóm có lượt xem trên 7 triệu với gần 25.000 like (lượt thích). Nhóm này cũng có những clip như Phỏng vấn trẻ em nếu có một điều ước, Giả gãy chân thử lòng người, Giả tai nạn thử lòng người vô cảm, Xin tiền thử lòng người... Mỗi clip trò đùa như kính thực tế ảo, dọa ma, đùa khi ngủ, ăn mù tạt, gội đầu với nước rửa bát... cũng thu hút hàng triệu lượt xem nhưng chưa xảy ra chuyện gì tai hại.
Cho đến khi dựng clip “trò đùa troll boom đường phố”, nhóm này đã cho một người mặc áo choàng trắng, trùm đầu, ôm một dụng cụ trông như bom, đặt một vài nơi công cộng, giả đốt bom và người xung quanh hoảng sợ bỏ chạy.
Clip phụ là hậu trường đi quay “trò đùa troll boom” đến nay đã có trên 1,3 triệu lượt xem và trên 3.500 lời bình. Trong clip này, NTN đã nhận định “Không hiểu là người Việt Nam chúng ta như nào. Phải nói là gan lì luôn. Lì đến mức độ sắp chết đến nơi rồi mà vẫn ngồi cười”.
Có lẽ chính NTN cũng chỉ thấy clip troll boom của mình là trò đùa cợt, mua vui và kiếm tiền, chứ không thấy rằng chính mình cũng quá gan lì. Lì đến mức độ không màng đến hậu quả của hành vi của mình.
“Rất là vớ vẩn. Ở Việt Nam rất là vớ vẩn!” - trong một clip, NTN đã nói. Thế nhưng sau trò đùa câu triệu like, PC50 Hà Nội mời lên làm việc để xử lý các vi phạm liên quan, có lẽ nhóm thanh niên này sẽ nhận rõ hơn cái gì có thể vớ vẩn mà kiếm ra tiền, cái gì không thể vớ vẩn vì "dính chưởng" với pháp luật bởi trò đùa rất không nên đùa của mình.
Rất nhiều ý kiến trên mạng xã hội bênh vực cho NTN. Cần ghi nhận các clip có tính nhân văn mà nhóm này đã quay và đưa lên Youtube. Nhiều ý kiến cho rằng bom giả mà, troll mà, có sao đâu!
Thử đặt bản thân vào hoàn cảnh gặp một người mặc đồ trùm kín, ôm một thứ như bom và đốt. Thử đặt xã hội vào hoàn cảnh mà ra đường là có thể gặp các kiểu troll nguy hiểm như thế. Những người đăng ký theo dõi một kênh Youtube và bật clip ngồi xem, bấm like hoặc dislike (không thích)... không có cùng trải nghiệm với những người đã hoảng sợ bỏ chạy thực sự trong clip đó.
Tính mạng, sự an toàn của người khác, an ninh trật tự xã hội không thể là thứ có thể đem ra câu like, câu view (lượt xem).