Ngày 4-10-2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. NHCSXH được thành lập để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận.
Tận tâm phục vụ người nghèo, khó khăn
Ban lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng nhận Cờ thi đua của UBND TP Đà Nẵng. |
Cùng với sự ra đời của hệ thống NHCSXH trên cả nước, Chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 50/QĐ-HĐQT ngày 14-01-2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26-3-2003.
Ngày đầu mới thành lập, Chi nhánh NHCSXH thành phố có 09 cán bộ viên chức, trụ sở Chi nhánh được thuê tại 127 Quang Trung với tổng dư nợ nhận bàn giao từ ngân hàng phục vụ người nghèo, Ngân hàng công thương và Kho bạc nhà nước là 117 tỷ đồng với 03 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và cho vay giải quyết việc làm.
Đến nay, về cơ bản Chi nhánh đã tuyển dụng theo đúng định biên gồm 104 cán bộ. Trong đó, có 88 cán bộ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, tại hội sở có 32 cán bộ, mỗi phòng giao dịch bình quân 12 cán bộ. Số CBVC có trình độ đại học, trên đại học 87 người chiếm 98,8%. Các chức danh cán bộ đã được bổ nhiệm đầy đủ, việc bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường và kinh nghiệm, đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Có thể khẳng định NHCSXH đã xây dựng và hoàn thiện được bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức điều hành quản lý thống nhất từ TP đến quận, huyện. Xây dựng được đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc. Nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân. Đặc biệt, luôn tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Chi nhánh NHCSXH thành phố thành lập 56 Điểm giao dịch cố định tại 56 xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc giao dịch với NHCSXH như người vay nhận vốn vay, trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm ngay tại điểm giao dịch xã.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng cho hay: “Ngoài việc cho vay qua các tổ chức hội đoàn thể, NHCSXH còn cho vay trực tiếp một số chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cho vay cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn, cho vay học sinh sinh viên (HSSV) mồ côi. Tổng dư nợ cho vay trực tiếp đến nay khoảng 104 tỷ đồng, với 1.343 khách hàng còn dư nợ”.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc NHCSXH. |
Qua 20 năm hoạt động, nguồn vốn của Chi nhánh ngày càng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,68%; các chương trình cho vay được mở rộng. Từ nguồn vốn khi nhận bàn giao 129,7 tỷ đồng thì đến 31-8-2022 tổng nguồn vốn đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 3.638 tỷ đồng so với năm 2002, cụ thể:
- Nguồn vốn cân đối từ Trung ương: 2.075 tỷ đồng, tăng 1.948 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 1.541%) so với năm 2002, chiếm tỷ trọng 55% tổng nguồn vốn. Trong đó: Nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân tại địa phương đạt 414 tỷ đồng, tăng 411 tỷ đồng so với năm 2002.
- Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 1.693 tỷ đồng, tăng 1.690 tỷ đồng so với năm 2002; chiếm tỷ trọng 45% tổng nguồn vốn.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 1.603 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đánh giá về 20 năm qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, thời gian cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên.
“TP sẽ dành nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Hoạt động cho vay vốn của NHCSXH phải phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả”, ông Minh nói.
Về cơ cấu dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội: Tính đến ngày 31-8-2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.653 tỷ đồng với 77.886 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,24% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho hay, để hoạt động tín dụng chính sách thực sự là một trụ cột trong việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TP, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, cân đối nguồn lực và đề xuất giải pháp, nhất là các chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách có việc làm, nghiên cứu chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình theo Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tổng Giám đốc NHCSXH đã ký quyết định số 4861 và quyết định số 4862 tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo nghị định 78. Theo đó, tặng Giấy khen cho 22 tập thể và 61 cá nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng.