Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ đến sân bay Nội Bài rạng sáng 23-5 và rời Việt Nam chiều 25-5. Đi cùng vị tổng thống Mỹ trong mỗi chuyến công du thế này là một lực lượng tháp tùng hùng hậu.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu chi phí cho mỗi chuyến công cán nước ngoài như vậy của tổng thống Mỹ là bao nhiêu. Trước đây, nhiều nguồn tin cũng đã đề cập vấn đề này khi tổng thống Mỹ đến thăm các nước.
Lần cuối cùng khi ông Obama tới thăm Ấn Độ vào năm 2010, các nhà phê bình đã nhanh chóng gom nhặt những tin đồn trên báo chí Ấn Độ rằng chuyến công du của ông Obama sử dụng 200 triệu USD/ngày.
Press Trust of India, một trong những hãng tin lớn nhất của Ấn Độ, thời điểm đó nói rằng “con số 200 triệu USD khổng lồ sẽ được chi cho các khoản an ninh, ăn ở và những phương diện khác trong chuyến thăm của tổng thông”. Nhiều tờ báo ở Ấn Độ và quốc tế nhanh chóng chia sẻ thông tin gây sốc này.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Michele Bachmann thời điểm đó trả lời phỏng vấn CNN cho biết số tiền trên để phục vụ phái đoàn hàng nghìn người đi theo tổng thống, 870 phòng khách sạn ở Ấn Độ, các phòng tiêu chuẩn 5 sao tại khách sạn Taj Mahal Palace và chi phí hoạt động của 34 tàu hải quân đi theo bảo vệ.
Sau đó các radio talkshow bảo thủ như Rush Limbaugh và Glenn Beck của Mỹ liên tục lặp lại con số này để “khủng bố” Nhà Trắng bởi vào thời điểm đó, Mỹ chi khoảng 190 triệu USD/ngày cho chiến dịch quân sự và ngoại giao tại Afghanistan.
Tổng thống Obama trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 3 năm nay. (Ảnh: REUTERS)
Tuy nhiên, các chuyến công du của tổng thống không “đắt đỏ” như vậy. Rất khó để biết chắc chắn con số bởi các dữ liệu được coi là bí mật.
Một văn bản nội bộ của Cơ quan Mật vụ Mỹ đã bị rò rỉ tới báo The Washington Post trước chuyến công du châu Phi ba ngày của ông vào năm 2013 cho thấy các chuyến đi nước ngoài của tổng thống Mỹ “đắt đỏ” như thế nào.
Theo tờ báo, tham gia chuyến công du của tổng thống còn có hàng trăm nhân viên mật vụ để bảo đảm an ninh ở Senegal, Tanzania và Nam Phi. Một tàu sân bay của hải quân hoặc tàu đổ bộ, với trung tâm cứu thương đầy đủ nhân viên luôn thường trực ngoài khơi để đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Hơn thế, các máy bay vận tải quân sự chở 56 phương tiện hỗ trợ, trong đó có 14 xe limousine và ba xe tải chất đầy kính chống đạn để che các cửa sổ của khách sạn nơi tổng thống ở. Các máy bay cũng sẽ thay phiên trực để bảo vệ tổng thống 24/24 từ trên không.
Nguồn thạo tin ước tính chi phí cho chuyến công du kéo dài tám ngày này là khoảng 60-100 triệu USD. Một báo cáo từ Văn phòng minh bạch chính phủ Mỹ cho thấy chuyến công du năm 1998 của Tổng thống Bill Clinton tới 6 quốc gia châu Phi đã lấy đi chính phủ Mỹ ít nhất 42,7 triệu USD.