Chiến dịch đóng cửa Bangkok bắt đầu

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã chuyển sang giai đoạn cao trào với chiến dịch đóng cửa Bangkok bắt đầu từ ngày 13-1. Mục đích nhằm làm tê liệt hoạt động Bangkok và buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Một bộ phận Bangkok tê liệt

Trong ngày đầu tiên của chiến dịch đóng cửa Bangkok, nhìn chung tình hình diễn ra trong hòa bình dù trước đó có báo cáo xảy ra nổ súng tại hai địa điểm biểu tình. Đêm 12-1, một người biểu tình bị bắn trọng thương khi đang bảo vệ rào chắn tại điểm biểu tình ở đường Chaeng Wattana.

Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin rạng sáng 13-1, những người biểu tình phong tỏa sáu giao lộ chính tại Bangkok.

Đến 8 giờ 45, ông Chaiwut Bannawat, nguyên phó chủ tịch đảng Dân chủ (đối lập), phát biểu tại địa điểm biểu tình ở quận Pathumwan.

Ngày 13-1, những người biểu tình tập trung tại điểm biểu tình ở đường Lat Phrao (thủ đô Bangkok). Ảnh: BANGKOK POST

Lúc 9 giờ 30, nguyên Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân, dẫn đầu đoàn biểu tình di chuyển từ tượng đài Dân chủ đến các địa điểm biểu tình khác. Trong khi đó, rào chắn đã được dựng lên tại khu liên hợp chính phủ gần giao lộ Vibhavadi Rangsit.

Đến 11 giờ 40, những người biểu tình phong tỏa cầu Rama 8. Họ dựng lều ngay trên cầu chuẩn bị nghỉ qua đêm. Như vậy lối ra vào sông Chao Phraya đã bị phong tỏa.

Một đoàn biểu tình đã bao vây Cục Quan hệ công chúng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ.

Trong ngày 13-1, các trung tâm mua sắm tại giao lộ Pathumwan và Ratchaprasong vẫn mở cửa kinh doanh bình thường. Các trạm xăng tại bảy khu vực biểu tình tạm thời đóng cửa theo yêu cầu của Cục Năng lượng. 123 chi nhánh ngân hàng tạm ngừng hoạt động.

Xem xét dời ngày bầu cử

Báo Bangkok Post đưa tin Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự (trực thuộc chính phủ) cho hay chưa cần thiết ban bố sắc lệnh khẩn cấp.

Người phát ngôn quân đội thông báo các đơn vị đã được triển khai tại các điểm biểu tình gần các văn phòng trực thuộc chính phủ để duy trì trật tự và bảo vệ những người biểu tình.

Trả lời câu hỏi của báo chí liệu chính phủ có ban hành sắc lệnh hoàng gia dời ngày bầu cử hay không, người phát ngôn quân đội nói quân đội không can thiệp vào tiến trình chính trị.

Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã quan sát biểu tình tại văn phòng bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó, bà đã chủ trì cuộc họp kín với các cơ quan an ninh nhằm đối phó với biểu tình. Giới truyền thông không được tham gia cuộc họp này.

Bà Yingluck Shinawatra đã giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Phongthep Thepkanjana tổ chức cuộc họp với các bên nhằm xem xét đề nghị dời ngày bầu cử của Ủy ban Bầu cử quốc gia. Lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban từ chối tham dự cuộc họp này.

Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự dự báo chiến dịch đóng cửa Bangkok có thể kéo dài từ bốn đến năm ngày và có nhiều khả năng xảy ra đụng độ tại ba địa điểm biểu tình chính gồm đường Chaeng Wattana, giao lộ Lat Phrao và tượng đài Chiến thắng.

Trong khi đó, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố chiến dịch đóng cửa Bangkok sẽ kéo dài đến cuối tháng này.

Nguyên ngoại trưởng lên tiếng

Ông Watana Muang-sook, trợ lý thân cận của nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhận định ông Suthep Thaugsuban không thể chiến thắng bằng biểu tình vì hai lý do: Người dân sẽ không ra đường biểu tình một khi sắc lệnh hành pháp được ban hành; đảo chính quân sự không thể diễn ra.

Trong khi đó, ông Surin Pitsuwan, nguyên ngoại trưởng Thái Lan và nguyên tổng thư ký ASEAN, đã gửi thư ngỏ cho phe áo đỏ (ủng hộ chính phủ).

Bức thư có đoạn: “Tôi muốn hỏi phe áo đỏ một câu rằng liệu các bạn có chấp nhận một cách mù quáng tình hình hỗn loạn của chính phủ hiện nay, bất chấp có ghét đảng Dân chủ như thế nào nhưng ít nhất các bạn nên tìm hiểu mức độ mà ông Thaksin đã làm cho Thái Lan. Có thể phe áo đỏ chưa nhìn thấy được những gì đảng Pheu Thái đã làm còn tệ hại hơn bất cứ nhà chính trị nào trong bất cứ kỷ nguyên nào”.

Trong thư, ông Surin Pitsuwan bày tỏ niềm tin vào ông Suthep Thaugsuban. Ông đánh giá ông Suthep Thaugsuban là một biểu tượng và có thể giữ vai trò lãnh đạo cải cách.

DUY KHANG

Cục Điều tra đặc biệt đã ký sắc lệnh triệu tập 55 lãnh đạo Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân và các tổ chức khác vì gây bất ổn, kích động nổi loạn, vi phạm Bộ luật Hình sự. 55 lãnh đạo phải báo cáo với Cục trong ba ngày từ ngày 22-1. Ông Suthep Thaugsuban không có tên triệu tập.

Cục Hàng không dân dụng cảnh báo người biểu tình chống chính phủ sẽ đối mặt án tù lên đến 15 năm và bị phạt 30.000 baht nếu gây ách tắc cho hoạt động hàng không. Cảnh báo được đưa ra sau khi nhóm người thuộc Mạng lưới Sinh viên và người dân vì cải cách Thái Lan (thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân) tuyên bố sẽ phong tỏa lối vào Cục Quản lý bay.

Tại New York (Mỹ), 100 người dân và sinh viên Thái Lan đã tổ chức diễu hành tại quảng trường Thời Đại nhằm ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan. Họ so sánh chiến dịch đóng cửa Bangkok giống như phong trào chiếm New York đã từng xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm