Thông tin trên được chia sẻ trên Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.
Theo Đại sứ, chỉ vài giờ trước khi lệnh đóng cửa sân bay của chính phủ Ấn Độ có hiệu lực, tổng đài bảo hộ công dân của Đại sứ quán liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của bà con từ khắp các nơi trên Ấn Độ. Điện thoại, Facebook cá nhân, Viber của rất nhiều cán bộ, từ Đại sứ đến nhân viên dồn dập nhận tin nhắn từ trong nước nhờ giúp đỡ người thân.
Công dân Việt Nam trước giờ máy bay cất cánh. Ảnh Facebook Đại sứ Phạm Sanh Châu
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay họ là người Việt đang học thiền và yoga tại Gujarat, Rishikesh và những người đang cùng bạn bè hành hương tới các di tích Phật giáo ở các vùng xa xôi như Kushinagar, Varanasi, những người đang theo các khóa tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng, sinh viên đang học tập, người lao động đang làm ăn, sinh sống ở các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai, Pune…
"Họ lo vì visa thì sắp hết hạn mà đường về thì ngày càng khó. Các chuyến bay đặt rồi, nay vì tình thế dịch bệnh đã bị hủy hết. Nhiều khách sạn Ấn Độ từ chối không nhận khách nước ngoài. Giờ mà kẹt thì biết ăn, ở đâu? Có tiền còn không có chỗ ở thì những người không có đủ tài chính sẽ ra sao?" - Đại sứ chia sẻ.
Thấu hiểu những tâm tư đó của bà con, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã từ sớm "âm thầm" vận động cho một chuyến bay đưa bà con về nước. Đích thân Đại sứ đã đề nghị hãng hàng không Vietjet đổi máy bay to hơn để có thể chở đông khách hơn, mở bán vé online để mọi người thuận tiện mua vé, hủy vé người nước ngoài để nhường suất cho bà con người Việt.
Đại sứ quán cũng phải làm việc với các cơ quan chức năng của Ấn Độ, xin giấy phép bay mới cho máy bay to hơn, thông báo chuyến cuối có thể đến trễ để họ cho nhập cảnh...
Công dân Việt Nam xếp hàng làm thủ tục lên máy bay về nước. Ảnh Facebook Đại sứ Phạm Sanh Châu
Đại sứ quán cũng sớm ra thông báo sơ bộ cho bà con biết tin về khả năng có một chuyến bay thẳng đưa bà con về nước để bà con có kế hoạch về New Delhi kịp nối chuyến.
Cán bộ Phòng Lãnh sự của Đại sứ quán còn gọi điện thoại đến từng du học sinh có nguyện vọng về nước, hỏi rõ từng hoàn cảnh (hạn visa, điều kiện ăn ở, các kỳ thi, phương án di chuyển...) và có khuyến nghị với từng trường hợp.
Đại sứ Phạm Sanh Châu gọi đó là "một chiến dịch giải cứu nho nhỏ và thầm lặng".
“Chúng tôi chỉ muốn nhắn với họ rằng họ hãy yên tâm vì Đại sứ quán thay mặt Nhà nước Việt Nam ở đây sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, những người con đất Việt” - Đại sứ bày tỏ.