Gần đây, Mỹ tiết lộ một chiến lược mới để ngăn chặn kịch bản lực lượng Trung Quốc (TQ) đại lục đổ bộ lên đảo Đài Loan. Chiến lược mới này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu nó có khả thi và TQ có những cách thức nào để đối phó hay không.
Chiến lược mới của Mỹ
Trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post bên lề Đối thoại Shangri-La hôm 10-6, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (thuộc Hải quân Mỹ) Samuel Paparo tiết lộ chiến lược mới của Mỹ mang tên Hellscape (tạm dịch là Chiến lược ‘Địa ngục’) để ngăn chặn TQ tấn công Đài Loan.
“Tôi muốn biến eo biển Đài Loan thành một địa ngục (thiết bị) không người lái bằng cách sử dụng một số khả năng bí mật…Tôi có thể khiến họ [TQ] phải sống khốn khổ trong một tháng, và điều này giúp chúng tôi có thêm thời gian cho những việc còn lại” - ông Paparo nói về Chiến lược ‘Địa ngục’.
Chiến lược ‘Địa ngục’ bao gồm việc triển khai hàng ngàn xuồng tự lái, máy bay không người lái (UAV) và tàu ngầm bao quanh hòn đảo này nhằm đối phó lực lượng TQ ngay khi lực lượng đại lục đi qua eo biển Đài Loan. Chiến lược ‘Địa ngục’ sẽ đóng vai trò như tuyến phòng thủ hiệu quả đầu tiên, theo trang Firstpost.
Theo The Washington Post, vào tháng 3, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chương trình "Replicator" trị giá 1 tỉ USD để sản xuất hàng loạt UAV và xuồng không người lái. Chương trình “Replicator” đặt mục tiêu trang bị thiết bị không người lái ở quy mô "hàng nghìn chiếc trên nhiều lĩnh vực" trong vòng 18 đến 24 tháng tới.
Vào tháng 5, Lầu Năm Góc đã bắt đầu chuyển giao một số hệ thống không người lái trong chương trình này cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo giới quan sát khả năng động thái này nhằm phục vụ Chiến lược ‘Địa ngục’.
TQ có thể khắc chế chiến lược "Địa ngục"
Một số chuyên gia quân sự của TQ cho rằng quân đội TQ sẽ có thể chống lại bất kỳ thiết bị không người lái (drone) nào của Mỹ bằng các thiết bị quy mô lớn hơn được trang bị các ứng dụng AI tiên tiến. Tuy nhiên, những chuyên gia này cũng lưu ý rằng Bắc Kinh cần cảnh giác trước nguy cơ ngày càng tăng về sự thay đổi chiến lược của Washington.
Theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Phó Tiền Tiêu, chiến lược mới của Mỹ dựa trên những gì đang xảy ra trong cuộc chiến ở Ukraine và là một chiến lược mới, được phát triển trong bối cảnh ngành đóng tàu của Mỹ đang dần đi xuống, tờ South China Morning Post đưa tin.
Ông Phó cho rằng “trong những năm gần đây, drone quân sự và dân sự của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng”, đồng thời lưu ý rằng TQ và Mỹ có năng lực ngang nhau trong lĩnh vực drone.
“Tuy nhiên, Mỹ không nên quên rằng TQ có năng lực sản xuất drone lớn nhất thế giới. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng một số lượng lớn thiết bị không người lái trên không để đối phó với đối phương. Mỹ nên nghĩ cách để đối phó với đội drone lớn hơn của Trung Quốc” - ông Phó nói.
Theo chuyên gia này, Mỹ có thể triển khai hàng nghìn drone tới eo biển Đài Loan, nhưng điều quan trọng là các căn cứ không quân của Mỹ sẽ bị tấn công và TQ có một loạt biện pháp đối phó, bao gồm nhiễu điện từ hoặc các phương pháp đánh chặn mới.
Cùng ý kiến, chuyên gia quân sự TQ Tống Trung Bình cho biết quân đội TQ có thể triển khai các hệ thống không người lái sử dụng công nghệ AI tiên tiến trên quy mô lớn hơn để chống lại làn sóng drone của Mỹ.
Thách thức đối với chiến lược mới của Mỹ
Tờ The Washington Post cũng lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của quân đội TQ và những hạn chế về ngân sách quân sự của Mỹ đặt ra những thách thức đáng kể trong việc thực hiện chiến lược “Địa ngục”.
Theo tờ Asia Times, ngân sách dành cho drone của của Hải quân Mỹ sẽ giảm từ mức 172 triệu USD trong năm nay xuống còn 101,8 triệu USD vào năm 2025. Cạnh đó, Hải quân Mỹ vẫn tập trung vào việc chế tạo các trang thiết bị chiến đấu lớn như tàu khu trục và tàu ngầm thay vì hoàn toàn sử dụng công nghệ drone.
Chính quyền Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của TQ đang chờ được thống nhất và để ngỏ khả năng dùng vũ lực để đưa hòn đảo này “trở về”. Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan và theo đuổi “chiến lược mơ hồ”, hiểu đơn giản là tránh nói thẳng về khả năng dùng vũ lực để bảo vệ hòn đảo này.
Tuy nhiên, ông Thời Yên Hoằng - GS quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân Dân (TQ) - cho rằng việc Mỹ tiết lộ chiến lược mới thể hiện dấu hiệu về “sự rõ ràng về mặt chiến lược” trong việc bảo vệ Đài Loan.
Cạnh đó, ông Thời chỉ ra rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ít nhất 4 lần nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc tấn công của đại lục, đồng thời bộc lộ “niềm tin rất sâu sắc và vững chắc” của ông.
Theo chuyên gia này, chính sách tổng thể của Mỹ vẫn còn mơ hồ về mặt chiến lược nhưng trong đó có một số yếu tố rõ ràng hơn.