Hôm nay (27-5), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Hàng loạt vấn đề về giá cả, lạm phát, lãi suất ngân hàng… sẽ được mang ra mổ xẻ. Báo giới đã trao đổi với TS Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bên lề phiên họp Quốc hội ngày 26-5.
TS Cao Sỹ Kiêm nói: “Việc chặn đà suy giảm kinh tế của năm 2009 khá thành công, đến quý I-2010 đà phát triển kinh tế đã tăng tốc. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy một số hạn chế như cân đối vĩ mô, kể cả bội chi ngân sách, nhập siêu, hệ số ICOR (số tiền vốn để tạo ra 1 đồng GDP), cán cân thanh toán, cán cân thương mại… chưa được cải thiện mà còn xấu hơn, bộc lộ rõ giải pháp và kết quả điều hành mang tính tình thế nhiều hơn, kể cả chống lạm phát và tác động của nó… Việc điều hành kinh tế có những “trục trặc” như dồn dập tăng giá một số mặt hàng, co tín dụng lại gây tâm lý không tốt: người dân thì lo lắng lạm phát cao, doanh nghiệp hoang mang vì khó vay vốn, gây sức ép cho lạm phát và tăng trưởng”.
. Sắp tới chúng ta phải làm gì để khắc phục những yếu kém nêu trên?
+ Một là chú ý cân đối vĩ mô, đảm bảo ổn định là đúng nhưng không được quên cái lâu dài, tầm xa. Ngay bây giờ phải phải bắt tay vào giải quyết những vấn đề lâu dài như tái cấu trúc, đổi mới cơ cấu kinh tế ngành, vùng miền, sản phẩm, cải thiện hệ số ICOR, cán cân thương mại, cán cân thanh toán… Kèm theo là đổi mới thể chế, đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giá cả, lạm phát, lãi suất ngân hàng... sẽ được các đại biểu quan tâm mổ xẻ. Ảnh: HTD
Thứ đến là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong quý I vừa qua doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Được vay vốn ít, chỉ có 3% dư nợ tín dụng, lãi suất từ 10% nâng lên 18%, cùng một lúc áp giá điện, xăng dầu mới…
Cạnh đó phải thể chế hóa nhanh tất cả những chủ trương đã có, những giải pháp Chính phủ đưa ra phải thành cơ chế và hành động thực tế, ở các cấp, các ngành. Cần chú ý rất linh hoạt trong điều hành, kể cả lãi suất, tỉ giá, thuế, giá cả. Không cứ máy móc vào các số liệu cụ thể để điều hành, như cứ nhăm nhăm lạm phát 7%, tăng trưởng 6,5%, tín dụng không cho ra, chính sách ưu đãi không có…
. Đánh giá của ông về điều hành kinh tế của Chính phủ?
+ Chưa nhất quán! Biểu hiện qua dư nợ tín dụng chỉ có 3% nhưng lại muốn tăng trưởng cao. Đáng lẽ không nên tăng tỉ giá, lãi suất, giá điện, xăng dầu cùng một lúc, vừa gây tác động trực tiếp vừa gây tâm lý không tốt trong dân. Người gửi tiền nếu nghĩ lạm phát lên, họ sẽ chưa gửi, chờ lãi suất cao hơn…
. Nhưng có cái khó là giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế?
+ Chúng ta phải ổn định để làm cơ sở cho tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu ổn định một cách máy móc, thí dụ co vốn lại, giữ cho nó an toàn thì không những không đảm bảo tăng trưởng mà lại đẩy lạm phát lên cao vì co vốn sẽ tạo ra tình trạng thiếu việc làm, thu nhập, sức mua giảm… Nếu chúng ta vì cái này mà bóp cái kia thì mâu thuẫn, triệt tiêu nhau.
. Hiện doanh nghiệp vẫn khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng vẫn cao. Điều hành và mục tiêu có chênh nhau?
+ Không phải chênh mà là chưa làm được. Việc rút lãi suất cho vay xuống 12%, rút lãi suất tiền gửi xuống 10% bằng mệnh lệnh hành chính là chưa ổn. Việc rút này phải bằng các biện pháp như chi ngân sách giảm đi, tăng xuất khẩu, rút hệ số ICOR xuống, cải thiện cán cân thanh toán… Khi lạm phát giảm, điều kiện cung ứng vốn và tỉ giá tốt hơn buộc các ngân hàng phải hạ lãi suất. Đây là bài chỉ đạo qua động lực, qua kinh tế chứ không phải bằng hành chính…
. Xin cảm ơn ông.
VĂN TIẾN ghi