Chính phủ sẽ gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỉ ở TP.HCM

Chiều 31-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ
thường kỳ tháng 3. Ảnh: VGP

Đầu tháng 4-2021 sẽ có nghị quyết gỡ vướng

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết vướng mắc chính của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng là do liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện dự án này đã đạt khối lượng trên 96% nhưng chưa thể tiếp tục thực hiện.

Ông Dũng cho rằng mặc dù Nghị định 15, Quyết định 23 và Thông báo 285 của Chính phủ không quy định cụ thể tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền nhưng UBND TP ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỉ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% giá trị dự án là chưa hoàn toàn phù hợp.

Để tháo gỡ vướng mắc dự án, ngày 30-3, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT và đi đến thống nhất trình Chính phủ ban hành nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập của TP.HCM. “Đây là dự án cấp thiết của TP.HCM, nếu để chậm trễ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư” - ông Dũng nói và cho rằng việc Chính phủ ban hành nghị quyết này là cần thiết.

Kết luận về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan dự án này. Ngoài ra, TP.HCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đối với toàn bộ dự án để loại bỏ những bất hợp lý, chống thất thoát, lãng phí.

“Đừng đổ lỗi cho Chính phủ nếu dự án này không phát huy hiệu quả vì TP.HCM đã phê duyệt dự án này theo đúng thẩm quyền. Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn nhưng TP.HCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đúng quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói và khẳng định ngày 1-4 sẽ có nghị quyết để gỡ vướng cho TP.HCM.

 Sửa luật để gỡ vướng đất đai

Riêng đối với ngành TN&MT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. “Tháng 10 sẽ sửa đổi Luật Đất đai, tôi đề nghị Bộ TN&MT tổ chức các hội nghị liên quan để chuẩn bị sửa dự án luật này. Việc này rất nặng nề, nhạy cảm, nhất là không để có sự cố về môi trường, nhân rộng mô hình xử lý rác thải” - Thủ tướng nói.

Quyết liệt chống dịch, cần sớm có “hộ chiếu vaccine”

Sau khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 3, trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết trong từng bộ, từng ngành và từng địa phương.

Đối với phòng chống dịch, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng cần tiếp tục chi viện lực lượng làm nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, đường biên. “Cần quyết liệt hơn nữa trong phòng chống nhập cảnh trái phép tại các khu vực cửa khẩu, biên giới để đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 xâm nhập từ nước ngoài” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường đảm bảo kỷ cương, kỷ luật ngành tài chính, tiết kiệm hơn nữa trong chi ngân sách. Ngành ngân hàng kiểm soát tốt hơn nữa lạm phát, hạn chế nợ xấu. Thủ tướng đề nghị sớm tổ chức hội nghị đôn đốc triển khai đầu tư công; nỗ lực giảm chi phí sản xuất, đầu tư để tạo ưu thế cạnh tranh mới; tiếp tục sửa đổi các quy định không phù hợp là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng đề nghị các ngành y tế, du lịch, ngoại giao sớm nghiên cứu ban hành cơ chế “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch... Ngành y tế sớm trình phương án về vấn đề này.

Đối với Bộ Công an, cần tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy, hạn chế hậu quả nặng nề do cháy gây ra, nhất là trong thời gian qua. Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh các dự án trọng điểm, đặc biệt đảm bảo tiến độ khánh thành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận trong tháng 6.

 

Sức chống chịu tốt, phục hồi rồi tăng trưởng nhanh

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế - xã hội trong tháng 3 và quý I-2021 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhiều điểm sáng.

Đó là tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2021 hơn 4,48%, cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng. Nhiều chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục gia tăng, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với những cải thiện vững chắc về tài khóa, nợ công, nợ nước ngoài...

Giải ngân vốn đầu tư công tháng 3 tăng mạnh, cao hơn hai tháng đầu năm. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực, trong đó lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương với tổng số vốn quý I đạt 10,13 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau tết ở mức cao, trên 90%, giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc tới nhiều điểm cần lưu ý như tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra; một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%. Đặc biệt, hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng.

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ông Dũng cho rằng nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện, trong đó cần quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm