Chính phủ yêu cầu tăng năng lực sản xuất thép trong nước

Trước tình hình giá thép tăng cao trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, nhằm đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng năng lực sản xuất thép trong nước. Ảnh: VGP

Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45%. Theo lý giải của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nguyên nhân giá thép tăng là do giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng khiến giá thép tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2-2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý 3-2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác.

Trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý 1-2021 tăng khá cao so với những nhận định trước đó.

Trước diễn biến về tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lí lo lắng trong dư luận xã hội, VSA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Hạn chế tăng giá đột biến mặt hàng xăng dầu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; tính toán, sử dụng quỹ Bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm