Từ ngày 19-3, UBND TP.HCM chính thức trưng dụng ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh làm khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19. Tại đây đã tiếp nhận hàng ngàn lượt người từ nhiều nơi trở về để thực hiện cách ly theo quy định.
Cũng từ hôm ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM, dân quân tự vệ ở các quận, huyện đã trực chiến để hỗ trợ người dân. Và cũng từ ngày hôm ấy, “đội quân áo xanh” chưa được về nhà…
16 giờ chiều một ngày đầu tháng 4-2020, 32 thành viên của Đội dân quân tự vệ quận Tân Phú nhắc nhau mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị phát cơm chiều cho người dân. Không khí trở nên rộn ràng, khẩn trương hơn khi chiếc xe chở thức ăn vừa dừng ngay trước sân. Các thành viên trong đội nhanh chóng chuyển thức ăn vào bên trong; kiểm tra kỹ lưỡng xem mỗi phần đã có đủ canh, muỗng, đũa hay chưa rồi mới bắt đầu đi giao.
Sau đó, hai dân quân đẩy hàng chục hộp thức ăn đến từng phòng để phát. Cứ đến trước mỗi phòng, một dân quân nói to, rõ: “Dạ phòng mình mấy người ạ? Tụi con giao cơm đến”. Bên trong nói vọng ra: “Có đậu hũ nhồi thịt không? Có trứng chiên không?...”.
Lực lượng dân quân sẽ đều đặn đi giao thức ăn ba bữa/ngày, dọn dẹp vệ sinh bên ngoài khu nhà ở, đưa nước, quét dọn sảnh... So với những ngày đầu, lượng công việc của các cán bộ, chiến sĩ đã nhẹ hẳn đi rất nhiều. Bởi trước khi đón người dân vào ở, họ phải liên tục dọn phòng trong ba ngày để đảm bảo chỗ ở sạch sẽ, thông thoáng. Những công việc này được bắt đầu từ lúc sáng sớm cho đến hơn 22 giờ mỗi ngày.
Khi chúng tôi nhắc đến hình ảnh các tình nguyện viên, dân quân, đội ngũ hậu cần tranh thủ chợp mắt ngoài trời hôm 20-3 được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều dân quân chỉ nhìn nhau cười và bắt đầu kể.
“Đúng là những hôm đó chúng tôi rất mệt. Dọn vệ sinh xong là đón người đến luôn, chúng tôi phụ nhau khuân vác hành lý, đưa nước, thức ăn cho người dân. Cứ xong đợt này lại có đợt khác đến nên phải làm để người dân có chỗ ngủ ngay trong đêm” - Minh Trường (20 tuổi, Đội dân quân tự vệ quận Tân Phú) chia sẻ.
Ngày đầu tiên, hơn 1.000 người được tiếp nhận. Dân quân tự vệ phải khuân vác tất cả hành lý của người dân lên phòng. Họ di chuyển chủ yếu bằng thang bộ... Khi người dân đã có chỗ ngủ, được nằm trên những chiếc giường, trong những căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ thì Trường cùng bạn bè lăn ra ngủ bờ ngủ bụi vì quá mệt. “Hôm đó tôi mệt quá, thấy bãi giữ xe ở ngay khu nhà H2 còn trống nên tôi lại đó nằm ngủ. Mấy bạn khác thì cứ thấy chỗ nào nằm được là lăn ra nằm thôi” - Minh Trường cười nhớ lại.
Cùng là dân quân tự vệ như Trường, Lê Quốc Cường (20 tuổi) tâm sự: “Những ngày đầu làm mệt thiệt mệt nhưng tôi thấy vui lắm”. Niềm vui mà Cường nhắc đến trong lời tâm sự của mình, đơn giản chỉ là có thể phụ khuân vác đồ đạc, xách balo, kéo valy hay sắp xếp chỗ ngủ ổn thỏa cho người dân.
Trực tiếp phát cơm cho người dân, Võ Hoàng Phong (21 tuổi) tâm sự, chỉ cần nhìn thấy các cô chú, anh chị ăn thấy ngon miệng, nói chuyện cởi mở với nhau là đã thấy vui rồi. “Dù tiếp xúc với mọi người trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi cũng không quá lo lắng. Chúng tôi cũng đã được tập huấn, trang bị kiến thức, được bác sĩ tư vấn kỹ. Cứ làm hết mình thôi!” - Phong cười.
Với 6.000 người được đưa đến cách ly ở KTX khu A, ĐH Quốc gia TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã điều động hơn 640 cán bộ, chiến sĩ trực chiến ngày đêm ở đây, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở chỉ huy tại khu cách ly KTX khu A là một hội trường nhỏ. Bên trong có gắn màn hình để các chiến sĩ tiện theo dõi tình hình ở các dãy nhà từ camera. Tất cả hoạt động như điều phối công việc, triển khai nhiệm vụ, thảo luận các phương án hỗ trợ… đều được thực hiện dã chiến tại căn phòng này.
Trung tá Nguyễn Nhâm (trợ lý tác huấn, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: Trong thời gian đầu chuẩn bị tiếp nhận người cách ly, cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn để sắp xếp nơi ăn chốn ở vì số lượng người cách ly quá đông, thời gian chuẩn bị lại gấp rút.
Chưa kể do người dân có tâm lý lo lắng cho con cái, cứ nghĩ đi “cách ly” là sẽ thiếu thốn nên mới xảy ra tình trạng tuồn đồ vào bên trong. Chính điều này càng khiến cho lực lượng hỗ trợ quá tải. Ban chỉ huy phòng, chống dịch đã phải liên tục động viên anh em làm việc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kịp thời chấn chỉnh mọi thứ vào nề nếp, khuôn khổ.
Những ngày làm nhiệm vụ, câu chuyện khiến Trung tá Nguyễn Nhâm nhớ nhất là hình ảnh người phụ nữ đứng ngoài ban công KTX thắp nhang tiễn chồng ở quê nhà. Người phụ nữ mà Trung tá Nhâm kể tên là Mai (quê ở Hà Tĩnh). Chị đi xuất khẩu lao động ở Thái Lan đã nhiều năm. Ngày 19-3, chị về đến sân bay Tân Sơn Nhất rồi được đưa về KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cách ly.
Nhưng đến ngày thứ 11 ở đây, chị nhận điện thoại của người nhà báo tin chồng chị vừa mất. Chị òa khóc nức nở, khóc rất nhiều và xin được về quê để tang cho chồng. “Anh em chiến sĩ ai cũng ngậm ngùi nhưng không thể làm khác được. Mọi người đã phải liên tục động viên, an ủi chị nén đau thương để hoàn thành thời gian cách ly rồi trở về, sẽ an toàn cho chị và mọi người” - Trung tá Nhâm xúc động kể.
Không đành lòng nhìn chị Mai ngồi khóc hằng giờ liền, cán bộ, chiến sĩ đã lập bàn thờ tạm với dĩa trái cây, bình hoa, mấy gói bánh, nến… để chị thắp nén nhang cho chồng, mong chị nguôi ngoai phần nào nỗi đau thấu gan ruột ấy.
Rồi cũng đến ngày những người tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh cũng như KTX khu A (ĐH Quốc gia TP.HCM) hoàn thành cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện để về nhà. Chỉ trong ngày 4-4, có hơn 1.400 người được về nhà, ngày 8-4 là hơn 1.000 người. Các cán bộ, chiến sĩ một lần nữa lại tiếp tục vác hành lý, giúp người dân di chuyển đồ ra xe.
20 chiếc xe đưa đón của TP.HCM xếp hàng dài, sẵn sàng chở người hoàn thành thời gian cách ly về những địa điểm cố định 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.
“Xe về quận 12, quận 11, Bình Chánh sắp tới. Mọi người ai về những điểm trên thì chú ý ra xe nha” - Trung tá Trần Hoàng Kha (lực lượng vũ trang quận 2) liên tục thông tin các chuyến xe, điểm đến cho người dân.
Khi những chiếc xe lần lượt chuyển bánh, Trung tá Kha cùng đồng đội của mình đứng vẫy tay chào kèm lời nhắn nhủ: “Bà con về khỏe mạnh nhé!”. Gương mặt của họ đã thấm mệt, giọng khàn hơn.
Sau một buổi sáng đứng điều tiết xe để đưa người dân về nhà, Huỳnh Anh Tú (21 tuổi, dân quân tự vệ quận Gò Vấp) đã thấm mệt. 12 giờ, người dân vẫn chưa về hết. Tú cũng chưa có ý định ăn trưa.
15 phút sau, dường như đã hết sức chịu đựng, Tú ngồi bệt xuống góc đường, uống ngụm nước rồi đưa tay quẹt ngang giọt mồ hôi đang đổ xuống. Tú mở chiếc bánh giò vừa được bạn mang tới để ăn trưa. Ánh mắt vẫn liên tục rảo quanh các con đường gần đó để kịp thời chỉ dẫn lối đi, tránh kẹt xe. Tú nói rằng mình hơi đuối vì làm liên tục trong nhiều ngày. Có khi chỉ muốn uống nước cho qua bữa nhưng được bạn bè động viên, anh lại ráng ăn để có sức tiếp tục hỗ trợ người dân.
Cách đó không xa, Tuấn Kiệt (dân quân tự vệ quận 2) cùng một người bạn cũng ngồi bệt xuống bên chiếc xe chất đống hành lý của người dân, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt; đầm đìa sau lưng áo mà tay vẫn giữ chặt chiếc loa để thông báo cho dân.
Từng lớp người đến rồi đi ở khu cách ly, riêng họ vẫn ở lại, tiếp tục chiến đấu đến hết mùa dịch này.