20 cảnh sát Philippines đã bị đình chỉ công tác để tham gia cuộc điều tra vụ một bé gái ba tuổi vừa bị bắn chết trong chiến dịch chống ma túy ở nước này, cảnh sát Philippines thông báo ngày 5-7.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), hai nghi phạm buôn ma túy và một cảnh sát “chìm” cũng đã thiệt mạng trong vụ nổ súng hôm 30-6 ở thị trấn Rodriguez, tỉnh Rizal, phía Đông thủ đô Manila, Philippines.
Cảnh sát trưởng Rodriguez và 19 cảnh sát khác đã bị đình chỉ công tác để “mở đường cho một cuộc điều tra công bằng”, theo giám đốc cảnh sát khu vực Edward Carranza.
Một nghi phạm bị bắn chết trong chiến dịch truy quét ma túy quyết liệt của chính phủ Philippines. Ảnh: CBS
Các sĩ quan cảnh sát trên được yêu cầu giao nộp lại vũ khí để kiểm tra xem ai là đã bắn chết bé Kateleen Myca Ulpina, ba tuổi, con gái của một trong các nghi phạm ma túy, ông Carranza cho hay.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, cha của Ulpina đã dùng em làm “lá chắn sống” và nổ súng vào cảnh sát tại thời điểm nghi phạm phát hiện ra đây là một kế hoạch triệt phá đường dây ma túy. Mẹ của bé gái đã bác bỏ cáo buộc này.
Thượng nghị sĩ Ronald Dela Rosa, người từng là cảnh sát trưởng quốc gia và chỉ đạo chiến dịch chống ma túy của Philippines, đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch của cảnh sát, bày tỏ xót xa trước cái chết của bé gái ba tuổi.
“Điều tội tệ đã xảy ra trong chiến dịch. Tôi thừa nhận với các bạn rằng trong quá trình thực hiện chiến dịch sẽ có những điều không mong muốn xảy ra… sẽ có thiệt hại không lường trước”, ông Dela Rosa nói với báo giới ngày 4-7.
Tổ chức theo dõi nhân quyền trụ sở New York đã lên án việc bắn chết bé gái ba tuổi này. Đây là nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong chiến dịch truy quét ma túy của chính phủ Philippines.
Theo thống kê chính thức, 6.600 nghi phạm ma túy đã bị giết chết trong chiến dịch chống ma túy ở Philippines từ ngày 1-7-2016 tới ngày 31-5-2019.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5-2016, Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử.
Hơn 20 nước kêu gọi điều tra
Tin từ Reuters, hơn 20 quốc gia ngày 4-7 chính thức kêu gọi Liên Hiệp Quốc vào cuộc điều tra việc hàng ngàn người bị giết chết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Iceland đã đệ trình dự thảo nghị quyết được hơn 20 quốc gia ủng hộ, phần lớn là các nước châu Âu, để kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra hàng nghìn cái chết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Văn bản kêu gọi chính phủ Philippines ngăn chặn các vụ "hành quyết phi pháp", đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền được yêu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người nhà nạn nhân bị bắn chết trong chiến dịch chống ma túy ở Philippines biểu tình đòi công lý. Ảnh: EPA
Chính phủ Tổng thống Duterte khẳng định hơn 5.000 nghi phạm ma túy bị cảnh sát bắn chết trong các chiến dịch truy quét ma túy. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho hay ít nhất 27.000 người đã thiệt mạng kể từ khi ông Duterte được bầu làm Tổng thống Philippines năm 2016. Và bé Myka ba tuổi bị bắn chết trong cuộc vây ráp của cảnh sát là nạn nhân mới nhất của chiến dịch này.
"27.000 người bị giết trong ba năm qua, bao gồm những người nghèo khổ nhất, trong cuộc đàn áp lớn. Đây là trường hợp tồi tệ nhất về các vụ giết người phi pháp trên toàn cầu trong bối cảnh không có xung đột vũ trang", Ellecer "Budit" Carlos của nhóm iDefend có trụ sở tại Manila trả lời Reuters.
Diễn đàn Geneva sẽ bỏ phiếu về nghị quyết được Iceland đệ trình trước khi kết thúc phiên họp ba tuần vào ngày 12-7. Philippines là một trong 47 thành viên của diễn đàn.
Các nhà hoạt động nói rằng Hội đồng Nhân quyền và văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet phải làm sáng tỏ tình hình.
"Đối với chúng tôi, ưu tiên hàng đầu cho phiên họp này là tình hình ở Philippine. Các thi thể tiếp tục chồng chất ở Manila và các khu vực đô thị khác. Cuộc chiến chống ma túy là cuộc chiến phần lớn nhằm vào những cộng đồng nghèo khổ, đói kém và chịu nhiều thiệt thòi", bà Laila Matar của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.