Theo dòng thời sự

Chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn từ thông điệp của Thủ tướng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022, giữa hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Thông điệp của Thủ tướng được đưa ra cùng ngày với phiên xử hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng hàng loạt quan chức liên can tới vụ án núi Chín Khúc trên địa bàn bị băm nát, kéo theo thảm họa về môi trường và cảnh quan, kéo theo sự thiếu cân bằng tự nhiên với hệ lụy khôn lường.

Thông điệp trên cũng được đưa ra trong bối cảnh cơ quan điều tra đang làm rõ nhiều sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC (và đang mở rộng điều tra đối với các cá nhân liên quan), về cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”.

Trước đó là hàng loạt vụ án nóng khác cũng đã bị khởi tố, điều tra, làm rúng động dư luận như vụ kit test Việt Á, vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)…

Trong lời phát biểu trước Chính phủ, cùng những giải pháp kinh tế, Thủ tướng nhiều lần nhắc đến hai chữ “kỷ cương”, đồng thời nêu bật phương hướng hành động: Dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp với ngoại lực là quan trọng, đột phá. Có thể hiểu kỷ cương là rường mối quan trọng làm nên nội lực. Có kỷ cương mới chiến thắng được nội xâm, từ đó lòng dân mới yên, đất nước mới mạnh, rồi từ đó mới có vị thế để hội nhập.

Hàng loạt hành vi tiêu cực của nhiều tổ chức, cá nhân bị điều tra, xử lý thời gian qua không chỉ thuần túy là vi phạm pháp luật, gây tổn hại trực tiếp về vật chất cho xã hội, mà nguy hại hơn là đang âm ỉ làm xói mòn lòng tin vào chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Không thể nói những đối tượng vi phạm không hiểu luật và sự sai trái khi bản thân họ là những nhà quản lý, kinh doanh nhiều kinh nghiệm. Điều này càng cho thấy tham nhũng, tiêu cực diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Cũng có nhiều dấu hỏi đặt ra là: Hay nhóm tội phạm này đang có dấu hiệu “lờn thuốc” nên liều lĩnh biết sai mà vẫn cứ làm?

Rồi đây, với sự quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, nhiều hành vi đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích xã hội, coi thường pháp luật sẽ tiếp tục bị phanh phui.

Thế nhưng, một loạt câu hỏi đầy trăn trở đang được dư luận đặt ra: Làm thế nào để việc chống tham nhũng, tiêu cực không rơi vào cảnh vạ ai nấy chịu, kẻ nào “không may” thì sa lưới, kẻ nào “trời thương” thì vẫn nhởn nhơ? Chưa kể các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý các “đại án”, còn vấn nạn tham nhũng, tiêu cực ở các cấp quản lý, kinh doanh thấp hơn cần giải quyết ra sao?

Cơ sở luật pháp đã có, quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước đang được thể hiện rõ rệt, điều quan trọng là việc thực thi cần triệt để; lan tỏa tới mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân cả trong lẫn ngoài khu vực nhà nước. Bởi mỗi người trong xã hội không chỉ có trách nhiệm tuân thủ, bảo vệ pháp luật mà cần gìn giữ, bảo vệ niềm tin vào đạo lý và lẽ phải!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm