Sáng 8-11, sau nội dung chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu đánh giá tổng quan kết quả phiên chất vấn diễn ra những ngày qua.
Trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc
Ông Vương Đình Huệ cho hay sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký tham gia chất vấn. 152 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt đại biểu tranh luận.
“Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH”- Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cho rằng, phạm vi chất vấn rất rộng, các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Trong khi đó, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Huệ cũng thông tin, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Ông đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH.
Từ đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn. Đồng thời tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.
Giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách
Đáng chú ý, trong lĩnh vực nội chính, tư pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Nhất là trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
“Cần có giải pháp đồng bộ để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập”- ông Vương Đình Huệ yêu cầu.
Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các luật có liên quan, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương tích hợp, đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy. Cần chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông và hệ thống cấp nước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy.
Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2024. Đi đôi với việc này là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân.
“Phải rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân”- ông Huệ nói.
Ở lĩnh vực này, Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán nhà nước và việc thực hiện các kết luận kiểm toán…
Quốc hội yêu cầu sớm xây dựng nghị định về quản lý mạng xã hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tăng cường công tác quản lý báo chí, xử lý vi phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, tạp chí điện tử, mạng xã hội.
Ông yêu cầu sớm xây dựng nghị định về quản lý mạng xã hội. Cùng với đó là phải quản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài, đẩy mạnh phát triển các nền tảng số trong nước. Nhất là các nền tảng số quốc gia để tiếp cận đến đông đảo người dân.
Ông cũng yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai quy hoạch báo chí. Trong đó, chú trọng các giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển khi thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.