Chủ tịch TP.HCM: ‘Tết sắp tới đây sẽ là cái Tết rất khó khăn của bà con’

Chiều 12-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.

TP.HCM xây dựng 3 chiến lược trụ cột

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP đã tập trung xây dựng chiến lược và phục hồi kinh tế trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: TTBC

Trong chiến lược này có 11 chiến lược thành phần, TP đang hoàn thiện và cùng xây dựng kế hoạch, triển khai và bổ sung nội dung về tổng kết, đánh giá, rút ra bài học về phòng chống dịch vừa qua. Từ đó, TP xây dựng phương án tổng thể về phòng chống dịch trong thời gian tới. Dự kiến, phương án sẽ được hoàn thành trong tháng 10.

Trong chiến lược trụ cột để phục hồi kinh tế, ông Mãi cho biết TP.HCM xác định trụ cột đầu tiên là y tế. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo dịch, các cơ sở dữ liệu phòng chống dịch. Cùng đó, tập trung củng cố hệ thống y tế cơ sở, làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và điều trị F0 từ sớm.

Chiến lược trụ cột thứ 2 là an sinh xã hội, tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo cho người dân. Theo ông Mãi, khi kinh tế đang phục hồi, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có việc làm, chưa có thu nhập. “Và cái Tết sắp tới đây sẽ là cái Tết rất khó khăn của bà con” - ông Mãi trăn trở và cho biết sau dịch, những tổn thương về tinh thần, tâm lý của người dân cũng cần được TP chăm lo. Đặc biệt là người già neo đơn do mất người thân, trẻ em mồ côi.

Trong đó, bắt đầu từ tuần sau, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Hội Phụ nữ TP sẽ phối hợp Hội Doanh nhân trẻ triển khai gói chăm lo cho hơn 1.000 trẻ em mồ côi. TP cũng triển khai thêm chương trình nhà ở giá rẻ, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp được tiếp cận giá phù hợp.

Chiến lược trụ cột thứ 3 là về phục hồi kinh tế. Về chiến lược trụ cột này, ông Mãi cho biết đã giao Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM cùng các sở, ngành triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Liên quan đến việc mở cửa lại trường học, ông Mãi cho biết đây là việc TP.HCM rất mong muốn nhưng vẫn cần thận trọng. Hiện TP đang tập trung chỉnh sửa cơ sở vật chất của các trường học do thời gian vừa qua trưng dụng các trường học làm cơ sở thu dung.

Ông cho biết, ngày 11-10, Trường tiểu học xã đảo Thạnh An và trường THCS, THPT xã đảo Thạnh An đã được Thường trực UBND TP đồng ý thí điểm mở lại ở khối lớp 1-2, 6-9 và lớp 12 để xây dựng trường an toàn, sau đó nhân ra các địa phương khác.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết nhiều lần TP đề nghị Bộ Y tế tiêm vaccine cho học sinh để từng bước mở cửa lại trường học. “TP cũng cố gắng thực hiện việc này trước học kỳ 2 và chậm nhất trong học kỳ 2. Tuy nhiên sẽ còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh” - ông Mãi nói.

TP.HCM cần sẵn sàng tiêm mũi 2 cho bà con trở lại

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những mất mát, đau thương mà TP.HCM đã gánh chịu trong đại dịch. Nhưng với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, TP.HCM đã vượt qua được thời điểm khó khăn, thử thách nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: TTBC

Bước sang giai đoạn mới, Chủ tịch nước đồng tình với việc chuyển đổi chiến lược từ "Zero COVID" sang t"hích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế". TP.HCM cần hiểu rõ ràng, nhất quán quan điểm này để huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp cùng tham gia quá trình phục hồi kinh tế. “Sống chung với COVID-19 cần những phương thức phù hợp để tránh lây lan dịch bệnh. Điều kiện quan trọng nhất là vaccine và biện pháp 5K” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Để từng bước phục hồi kinh tế, điều kiện tiên quyết của TP là kiểm soát tốt dịch bệnh. Do vậy, ông đề nghị TP.HCM cần xây dựng những biện pháp quản lý rủi ro, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới TP trong thời gian trước mắt.

“Nếu tiếp tục đóng cửa, TP sẽ không chịu nổi. Không chỉ mang tới hậu quả là kinh tế tăng trưởng âm mà còn dẫn đến những điều tồi tệ hơn. Hậu quả ngắn hạn là phá sản hàng loạt doanh nghiệp, hàng triệu người mất việc làm, sang chấn tâm lý nặng nề do đại dịch...” - Chủ tịch nước nói.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị TP.HCM tập trung 5 nhiệm vụ thiết yếu trong việc khôi phục kinh tế. Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc tạo mọi điều kiện đưa người lao động trở lại.

“Tôi tin rằng khi bà con về thăm quê hương, trong 100 người sẽ có khoảng 30 người ở lại quê nhưng 70 người sẽ quay lại TP. Chúng ta tạo mọi điều kiện, ví dụ như bà con về quê, đến hẹn tiêm vaccine mũi 2 thì hãy đến TP, TP.HCM sẵn sàng tiêm mũi 2 cho bà con. Đồng thời là những điều kiện về nhà ở, phúc lợi, gói an sinh” - Chủ tịch nước nói và đề nghị TP cần phối hợp với các tỉnh, thành trong việc đưa người lao động trở lại, đào tạo, kết nối người lao động với doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng đề nghị TP cần tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân trên địa bàn. Trong đó, nhóm đối tượng tổn thương bởi dịch bệnh, người ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cần tiếp tục được tạo điều kiện hỗ trợ bằng các nguồn lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm